Hiếm gặp và bất thường

GD&TĐ - Từ chiều 30/3 - 1/4, khu vực các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên đã xuất hiện một đợt mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 100 - 200mm, có nơi 300mm. Đây là điều hiếm gặp và bất thường so với quy luật...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lý giải về đợt mưa lớn vừa qua, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, nguyên nhân là do ảnh hưởng kết hợp giữa vùng rãnh thấp với vùng áp thấp và gió mùa Đông Bắc. Cũng với quan điểm đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua là quá sức dị thường, một chuyên gia phân tích: Trong giai đoạn tháng 3, đầu tháng 4, ở miền Trung thường chỉ có không khí lạnh hoặc rãnh thấp xích đạo.

Từ tháng 5 đến cuối tháng 8 và từ tháng 9 trở đi, miền Trung mới bước vào mùa mưa khi có những điều kiện hội tụ như bão, kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, kèm theo không khí lạnh và yếu tố địa hình.

Bởi vậy, nguyên nhân sâu xa của đợt mưa lũ dị biệt vừa qua là do sự xuất hiện của vùng áp thấp từ biển Đông đi sâu vào đất liền tạo không khí lạnh. Áp thấp dạng xoáy rất mạnh gây mưa lớn, bão lũ vào miền Trung giai đoạn giữa mùa khô như này là rất hiếm hoi.

Ý kiến khác cũng cho rằng, hiện tượng thời tiết này là rất bất thường. Đợt mưa lũ này không phải lũ Tiểu mãn đến sớm vì lũ Tiểu mãn thường xảy ra vào dịp 22/5 hoặc khoảng gần đó. Đồng thời, trong tiết khí Tiểu mãn, không khí lạnh đi theo rãnh áp thấp Đông Bắc sang Tây Nam từ eo biển Đài Loan hoặc vùng đại lục Trung Quốc vào nước ta. Còn những ngày đầu của đợt mưa này lại do rãnh áp thấp đi theo hướng Đông Nam vào do tàn dư yếu của La Nina gây ra...

Như vậy có thể thấy, không chỉ đợt mưa lũ này mà những năm qua, nước ta đã liên tục ghi nhận các hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường. Cụ thể, Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn năm 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ rằng, trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa nhưng những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan trải khắp các miền của đất nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn, mưa cực đoan ở miền Trung; rét đậm rét hại ở miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài các yếu tố khách quan, những tác động của con người đến tự nhiên thông qua việc khai thác tài nguyên, gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác cũng là tác nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Như vậy có thể thấy, thiên tai bất thường, dị thường ngày càng có xu hướng gia tăng, khắc nghiệt và khó lường hơn nên không còn cách nào khác là phải “chung sống”, từ đó có biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất là thông tin.

Các cơ quan chức năng cần thông tin sớm nhất có thể tới địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đặc biệt, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về thiên tai, biến đổi khí hậu, cách phòng tránh, tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan. Có như vậy, mới giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ