Hết tài trợ, dạy bơi “đuối”

Hàng loạt phụ huynh Đà Nẵng lo lắng vì chủ trương xã hội hóa thu phí dạy bơi, trao quyền tự chủ lo kinh phí cho các trường học khi các chương trình tài trợ phòng chống đuối nước cho trẻ em ngừng triển khai.

Hết tài trợ, dạy bơi “đuối”

Gần bước vào những tháng hè, nhưng 11 bể bơi từ chương trình tài trợ của tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt chương trình TASC) “đắp chiếu”.

Theo thầy Vương Đình Vũ - Tổ trưởng bộ môn Thể dục Trường Tiểu học Phù Đổng, nguyên cán bộ của chương trình TASC, dịp này những năm trước, phụ huynh học sinh rục rịch đăng ký cho con em học bơi. 

Nhưng năm nay, các trường chờ hướng dẫn cụ thể để triển khai. Năm 2009, TASC triển khai tại Đà Nẵng hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, từ bảo dưỡng, chi phí giáo viên, vận hành dự án...

Theo đó, ít nhất mỗi năm có gần 6.000 học sinh tiểu học trên địa bàn được tham gia chương trình “bơi an toàn”.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) - thống kê: Sau 4 năm nhờ sự tài trợ TASC, ngành Giáo dục thành phố đã huấn luyện cho 21.000 học sinh tiểu học hoàn thiện kỹ năng bơi an toàn. 

Kết thúc mỗi khóa học bơi (gồm 20 bài học thực hiện trong 20 buổi) đa số các em có thể nổi được 90 phút và bơi được 25m, đảm bảo an toàn khi xuống nước.

Chương trình TASC được đánh giá hiệu quả tích cực đối với công tác giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng ứng phó trước thiên tai cho học sinh. Không chỉ triển khai dạy bơi, dự án bơi an toàn TASC từng bước chuyển giao công nghệ đào tạo.

Đến nay, 11 bể bơi thuộc chương trình này được trao lại cho Đà Nẵng tiếp tục công tác dạy bơi cho học sinh. Từ năm 2013, TASC rút dần hỗ trợ kinh phí theo lộ trình để Đà Nẵng chủ động. 

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Đà Nẵng mới chỉ chủ động kế thừa vật chất mà chưa có kế hoạch triển khai cụ thể, khiến nhiều bể bơi hoạt động cầm chừng, rồi “đắp chiếu”.

Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng về việc dạy bơi học sinh tiểu học, thay vì miễn phí học bơi cho học sinh, ngành Giáo dục tiến hành “xã hội hóa” thu phí người học và yêu cầu các trường tự chủ kinh phí để triển khai.

Theo đó, đối với các khóa học chính (các tháng 6, 7 và 8) thu phí 200 ngàn đồng/học viên/khóa học/20 tiết. Riêng, các khóa học phụ (trong các tháng 4, 5, 9 và 10) các trường tiểu học tự cân đối, sắp xếp kinh phí dạy học bơi.

Theo thầy Vũ, khó ở chỗ với phụ huynh khá giả, số tiền trên không lớn. Nhưng với gia đình khó khăn, học phí này sẽ khiến số lượng học sinh học bơi giảm hẳn.

Theo cô Bình, vào các tháng hè 6,7,8, số lượng học sinh đăng ký rất đông. Nhưng nếu phải đóng học phí, con số này sẽ biến động. Hè năm 2013, chỉ có hơn 2.100 học sinh trên địa bàn học bơi vì dự án TASC ngừng tài trợ.

Thầy Phan Chánh -, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cho rằng, trường có bể bơi nhưng chưa thể dạy vì thiếu kinh phí, giáo viên. 

Việc bảo quản, vận hành, thuê khoán giáo viên khó khăn, trong khi nhà trường không còn tự chủ về tài chính.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục Tiểu học, toàn thành phố có hơn 100 trường tiểu học công và dân lập. Tuy nhiên, chỉ một số ít trường tư “dám” đầu tư hồ bơi, triển khai chương trình dạy bơi.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ