Hoa hướng dương. Ảnh: Seedguides.
Tiến sĩ Võ Văn Chi với nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc, cho biết hoa hướng dương có tên khoa học là Helianthus annuus L., thuộc họ cúc Asteraceae. Đông y dùng hầu hết bộ phận từ rễ, thân, lá, đế hoa, cụm hoa, hạt hướng dương để làm thuốc. Đế của cụm hoa còn gọi là Hướng nhật quỳ, thu hái sau khi quả chín, tách riêng hạt.
Hướng dương vị ngọt dịu, nhạt, tính bình. Rễ, lõi thân có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, chỉ khái bình suyễn. Đế hoa bổ can thận, giảm huyết áp và giảm đau. Hạt tư âm, chỉ lỵ, thấu chẩn.
Người ta dùng cụm hoa đầu của hướng dương để trị bệnh huyết áp cao, đau đầu, choáng váng, ù tai, đau răng, đau gan, đau bụng kinh, viêm vú và tạng khớp. Ngoài ra còn hỗ trợ điều trị ung thư dạ con. Lõi và thân cây trị bạch đới. Liều dùng từ 30 đến 60 g.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc trị đau đầu, cao huyết áp từ hoa hướng dương như sau:
Trị huyết áp cao
Dùng cụm hoa hướng dương 60 g, râu ngô 30 g. Tất cả đem sắc nước uống, có thể pha thêm chút đường.
Cao huyết áp, choáng váng, đau đầu
Cụm hoa hướng dương từ 30 đến 60 g. 2 quả trứng vịt luộc. Cắt vụn cụm hoa hướng dương rồi đem nấu lấy nước bỏ bã. Nhúng trứng vịt vào nước đang sôi vừa thổi vừa ăn. Lưu ý không dùng bài thuốc này cho người bị huyết áp thấp.