Hẹn nhau qua... Facebook

GD&TĐ - Mỗi người nên coi mạng xã hội như một nơi giao lưu vui vẻ, chứ đừng nên biến nó thành nơi 'hẹn hò' để đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Không phải “hẹn hò” để hàn huyên tâm sự, chia sẻ khó khăn hay chúc mừng nhau nhân một chuyện vui nào đó, mà là để “nói chuyện” rồi đánh nhau dẫn đến chết người. Chuyện vừa xảy ra tại thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Nghi ngờ một bạn nam cùng lớp hack Facebook, bạn nữ hẹn ra bờ kè của thị trấn Châu Ổ để “nói chuyện”. Hai bên kẻ nói qua, người nói lại. Bạn nam cho rằng mình không hack Facebook của bạn nữ. Còn bạn nữ thì khăng khăng bạn nam kia là thủ phạm.

Cuối “cuộc hẹn”, hai bên xông vào đánh nhau. Do yếu thế về “quân số”, bạn nam đã dùng con dao mang theo để chống trả. Một thiếu niên trong nhóm bạn nữ bị đâm chết, một thiếu niên khác bị thương.

Cách đây không lâu, hai nhóm thanh niên trên địa bàn của hai huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi cũng “hẹn nhau” qua mạng, ấn định ngày giờ đến cầu Thạch Bích trên sông Trà để đánh nhau sau những lần “hỗn chiến” trên Facebook.

Gần 100 thanh niên mang theo mã tấu, dao rựa dàn hàng ngang trên cầu và chém nhau chẳng khác gì trong phim hành động. Kẻ bươu đầu, người mẻ trán sau cuộc hỗn chiến. Có người suýt chết vì phải nhảy xuống sông Trà để thoát thân. Tổng cộng 150 năm tù giam dành cho 97 thanh niên tham gia hỗn chiến sau cuộc hẹn trên Facebook!

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ hỗn chiến được “hẹn nhau” qua Facebook. Gần như địa phương nào cũng có vụ đánh nhau sau những “cuộc hẹn” như thế. Nhiều cái chết rất lãng xẹt chỉ vì mâu thuẫn “cãi nhau” trên mạng dẫn đến thách đố rồi đâm chém nhau.

Mạng xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhưng nó chẳng khác gì con dao hai lưỡi. Nếu biết sử dụng thì mạng xã hội, cụ thể là người chơi Facebook có nhiều niềm vui, thậm chí mở mang trí óc, giúp họ hiểu biết nhiều hơn về xã hội, có thêm những người bạn mới.

Nhưng nếu không kiểm soát được cảm xúc, chơi Facebook có khi dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Một trong những hệ lụy là hẹn đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn như những trường hợp kể trên.

Tính đến tháng 10/2023, cả nước có trên 66 triệu người dùng Facebook, xếp thứ 7 trong tổng số hơn 3,3 tỷ người sử dụng mạng xã hội này trên toàn thế giới.

Như đã nói, việc sử dụng mạng xã hội mang lại khá nhiều điều bổ ích. Nó trở thành “người bạn thân thiết” cho rất nhiều người, nhất là những ai đã qua tuổi thanh xuân và đang hưởng nốt những ngày tháng cuối cùng của đời người nhưng không có con cái bên cạnh.

Thế nhưng, mạng xã hội cũng thành vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Không một nhà quản lý siêu việt nào đủ lực để kiểm soát mỗi người chơi Facebook mà chỉ có từng người tự quản lý chính mình, từ việc kiểm soát cảm xúc trong mỗi comment (bình luận) đến cách phát ngôn trước một vấn đề nào đó đang hot trong xã hội.

Tóm lại là, mỗi người nên coi mạng xã hội như một nơi giao lưu vui vẻ chứ đừng nên biến nó thành nơi “hẹn hò” để đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng như đã từng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.