Những buổi chăn thả trâu bò trên cánh đồng làng vừa gặt xong, là lúc những ngọn lúa xanh chồi lên từ gốc rạ. Chúng tôi cứ việc buông phóng trâu bò ăn no căng bụng, còn mỗi đứa đeo theo bên hông những cái hom (giỏ), chờ cho nắng dịu mát là thi nhau lội xuống con kênh nước.
Vào mùa nước ngập lội sâu đến ngực, còn vào mùa cạn thì nước chỉ trên đầu gối, đó là thời điểm lý tưởng để tụi tôi bắt đầu đi mò hến. Cứ 2, 3 đứa dàn hàng ngang cúi khom người quờ hai tay xuống bùn mà mò, thấy những viên hình tròn tròn khỏa tay vào nước rồi đưa lên khỏi mặt nước, thế là đã có sản phẩm là những con hến, con ốc đá nhẵn nhụi. Chúng tôi cứ thế lom khom có khi cả tiếng đồng hồ ở dưới nước, thỉnh thoảng mỏi lưng lại đứng lên ngó trâu bò xem chúng gặm cỏ ở chỗ nào.
Cứ vừa đi vừa mò có hôm đi đến một đoạn xa hơn trăm mét, lại quay đầu mò lại thế mà vẫn được đầy giỏ mỗi ngày. Đem về nhà mẹ ngâm vào chậu nước cho hến, ốc nhả hết bùn và lại có món ốc luộc, hến xào, thật không còn gì ngon bằng đối với bữa cơm đạm bạc nhà quê. Tôi còn nhớ kênh nước chảy qua đường quốc lộ, nghe ông nội kể vào thời Pháp thuộc, người Pháp đã xây cái cầu bắc qua, cầu thật kiên cố được xây chủ yếu bằng đá ong, có tên gọi là Cầu Bờ Đìa.
Chúng tôi thường lấy chân cầu làm điểm tập kết, trú nắng và rửa chân tay. Cách đây vài năm do mở rộng đường nên cầu được xây mới, rộng hơn. Những năm tháng tuổi thơ đã qua đi, tôi đi học rồi trở về quê công tác. Phải đến một khoảng thời gian thật dài tôi không còn nhớ đến cảnh mò hến. Mặc dù cảnh cũ vẫn còn đây không có nhiều đổi khác, vẫn cây cầu đó, vẫn dòng nước êm đềm chảy qua…