Vào ngày 13/10, xuất hiện những đồn đoán rằng, Mỹ đang cân nhắc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel.
Những đồn đoán này đã được Lầu Năm Góc chính thức xác nhận vào ngày 15/10, và ngay sau đó, một bức ảnh xuất hiện trực tuyến cho thấy, hệ thống THAAD của quân đội Mỹ được vận chuyển trên xa lộ ở Israel.
Tính xác thực của hình ảnh đã được Clash Report xác minh, trong đó có bình luận: "Hệ thống phòng không THAAD của Mỹ được phát hiện ở đâu đó tại Israel".
Một số nguồn tin cũng xác nhận hệ thống này đã được nhìn thấy di chuyển qua miền trung Israel, có khả năng gần các địa điểm phòng thủ quan trọng.
Những nguồn tin này cũng ngụ ý rằng, quân đội Mỹ có thể trực tiếp tham gia vận hành các hệ thống phòng thủ tên lửa này sau khi triển khai hoàn toàn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder, đã xác nhận việc triển khai này: "Việc triển khai THAAD nhấn mạnh cam kết không lay chuyển của Mỹ trong việc bảo vệ Israel và người Mỹ tại quốc gia này trước các cuộc tấn công đạn đạo tiềm tàng của Iran".
Ông Ryder cũng đề cập rằng, trong khi các thành phần hệ thống và nhân sự Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục đến trong những ngày tới, thì khung thời gian chính xác đang được giữ kín vì lý do an ninh.
Việc triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran, đặc biệt là sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran vào Tel Aviv vào ngày 1/10/2024, dẫn đến các mối đe dọa trả đũa của Israel.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh rằng, việc triển khai THAAD ở Israel là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường thế trận quân sự của Mỹ trong khu vực, đảm bảo cả lực lượng Israel và Mỹ đều được bảo vệ trước cuộc tấn công tiềm tàng của Iran và các cuộc tấn công của các lực lượng dân quân đồng minh.
Mỹ có thể nhanh chóng triển khai THAAD đến Israel do vị trí quân sự chiến lược của mình trên khắp Trung Đông.
Mỹ duy trì các hệ thống THAAD tại nhiều căn cứ ở các quốc gia như Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE, cho phép di chuyển hệ thống nhanh chóng đến Israel.
Các căn cứ này, cùng với Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), tạo điều kiện cho phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa mới nổi. Ngoài ra, các mạng lưới hậu cần của Washington thông qua các căn cứ châu Âu, chẳng hạn như ở Đức và Ý, hỗ trợ việc vận chuyển nhanh chóng các tài sản quân sự.
Khi hệ thống THAAD đến đích cuối cùng tại Israel, cần thực hiện một số bước chính để đưa hệ thống vào trạng thái sẵn sàng hoạt động hoàn toàn. Đầu tiên, tất cả các thành phần của hệ thống được vận chuyển đến một căn cứ quân sự được chỉ định, thường là ở một khu vực xa xôi như Sa mạc Negev.
Sau đó, hệ thống trải qua quá trình lắp ráp ban đầu, bao gồm lắp đặt radar và bệ phóng. Điều này đảm bảo rằng, THAAD có thể tích hợp hiệu quả với các hệ thống phòng thủ khác của Israel, chẳng hạn như Iron Dome và David's Sling, cung cấp khả năng phòng thủ nhiều lớp chống lại nhiều mối đe dọa tên lửa.
Sau khi lắp ráp xong, hệ thống trải qua quá trình thử nghiệm và hiệu chuẩn nghiêm ngặt để mô phỏng các mối đe dọa tên lửa khác nhau, và đảm bảo hiệu suất tối ưu. Sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm, THAAD được tích hợp vào mạng lưới phòng không rộng lớn hơn của Israel, với các quy trình chỉ huy và kiểm soát được hoàn thiện để cho phép giám sát và phối hợp theo thời gian thực.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến được tạo ra để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung trong giai đoạn bay cuối của chúng.
THAAD, được phát triển bởi Lockheed Martin, sử dụng nhiều thành phần hoạt động cùng nhau để theo dõi, đánh chặn và tiêu diệt các mối đe dọa đang tấn công với độ chính xác đặc biệt.