Hệ thống phòng thủ tự nhiên: Khả năng chống lại tác nhân gây bệnh

GD&TĐ - Sức đề kháng tức hệ miễn dịch, là một hệ thống phòng thủ tự nhiên của con người.

Sức đề kháng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mầm bệnh (vi khuẩn, virus...). Ảnh minh họa
Sức đề kháng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mầm bệnh (vi khuẩn, virus...). Ảnh minh họa

Đây cũng là một mạng lưới của các tế bào, mô và cơ quan kết hợp lại với nhau nhằm bảo vệ cơ thể tránh khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Do đó, ở lứa tuổi nào cũng cần chú trọng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Dấu hiệu sức đề kháng kém ở trẻ

Nếu cơ thể có một hệ thống miễn dịch khỏe có thể bảo vệ khỏi sự tấn công của các yếu tố gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt là với học sinh trong những thời điểm giao mùa hay dịch bệnh lây lan.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, tình trạng phụ huynh chủ quan và ít chú ý đến việc tăng cường đề kháng cho con dẫn đến số lượng trẻ ốm yếu, ốm vặt vẫn còn nhiều. Bố mẹ nên lưu ý và tìm các phương pháp nâng cao sức đề kháng cho bé phù hợp.

Theo bác sĩ Thuỷ, trong suốt quá trình phát triển của cơ thể, sức đề kháng là yếu tố rất quan trọng. Nhờ có sức đề kháng mà trẻ có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh. Những trẻ thường xuyên bị ốm vặt sẽ biếng ăn và cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Trường hợp này, không tăng sức đề kháng thì trẻ sẽ suy dinh dưỡng, chậm phát triển,...

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc tăng sức đề kháng góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh. Thực tế, nhiều người có hệ miễn dịch tốt sẽ giảm được khả năng lây nhiễm hoặc nếu bị nhiễm sẽ có biểu hiện bệnh nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn.

Không chỉ chống lại các bệnh dịch hay virus, sức đề kháng còn có ý nghĩa với trẻ em mỗi khi giao mùa, đặc biệt là khí hậu miền Bắc. Thời điểm này, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá,…

Những nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng bao gồm những người mắc phải một số bệnh lý như HIV, lupus ban đỏ, suy dinh dưỡng và rối loạn di truyền nhất định, sử dụng các loại thuốc như chống ung thư, quá trình xạ trị, những người được ghép tạng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép…

Bên cạnh đó là nhóm những người gặp áp lực công việc kéo dài, ngủ không đủ giấc, dinh dưỡng thiếu hợp lý, ăn ít rau xanh, trái cây, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, uống ít nước, làm việc, sinh sống trong môi trường không khí ô nhiễm.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thuỷ, nếu mất nước hoặc hấp thụ không đủ nước đồng nghĩa với việc trẻ có sức đề kháng yếu. Phụ huynh có thể nhận biết dấu hiệu mất nước nếu thấy môi trẻ khô nứt nẻ, dính hai bờ môi trên - dưới lại, ít khóc và khóc thì không có nước mắt, mí mắt trũng xuống, da khô, lạnh, ít đi tiểu tiện, uống nhiều nước, buồn ngủ và hay quấy khóc. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ khiến cơ thể suy nhược, trẻ ốm yếu thường xuyên và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.

Đặc biệt, dấu hiệu để nghi ngờ trẻ có sức đề kháng kém là thèm ăn đồ ngọt. Trẻ ăn nhiều đồ ngọt hay thèm đường tinh luyện là cho thấy sức khỏe đang dần bị yếu đi. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân góp phần làm suy giảm sức đề kháng.

Hơn nữa, cơ thể trẻ thường sẽ ủ rũ, mệt mỏi, hay ốm vặt nên cũng cảm thấy chán ăn, không muốn ăn kể cả những món ưa thích. Nếu nhận thấy dấu hiệu sức đề kháng yếu này, cha mẹ nên tiếp tục theo dõi con và tìm ra hướng giải quyết thích hợp.

Ngoài ra, trẻ có sức đề kháng mạnh sẽ hấp thu tốt lượng thức ăn được đưa vào cơ thể và tiêu hóa khỏe mạnh. Ngược lại, trẻ có sức đề kháng yếu thường bị rối loạn tiêu hoá, nôn trớ trong hoặc ngay sau khi ăn, đi ngoài phân sống. Nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, trẻ ốm yếu, chậm phát triển, chậm chạp và ít có hứng thú khi chơi khiến tinh thần ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Thuỷ cũng cho biết thêm, thời gian lành vết thương của trẻ là yếu tố đánh giá chính xác hệ miễn dịch. Vì vậy, phụ huynh hãy chú ý nếu trẻ bị thương, trầy xước lâu lành thì có nghĩa là sức đề kháng của bé yếu.

“Sức đề kháng yếu sẽ khiến trẻ hay ốm vặt dẫn đến yếu ớt, còi cọc, không chịu vận động, phát triển không toàn diện về mặt thể chất lẫn trí tuệ. Vì vậy, cha mẹ hãy quan tâm và tìm ra phương pháp giải quyết phù hợp để con được phát triển an toàn và lành mạnh nhất”, bác sĩ Thuỷ nhấn mạnh.

Bổ sung dinh dưỡng là một trong những biện pháp giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh minh họa

Bổ sung dinh dưỡng là một trong những biện pháp giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh minh họa

Tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch

Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đưa ra lời khuyên nên tập thể dục đều đặn ở mọi lứa tuổi. Bởi nó có nhiều lợi ích cho sức khỏe, một trong số đó là giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch.

“Việc tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể chống lại bệnh tật bằng nhiều cách như đẩy mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp, giảm viêm, tăng lưu thông máu để các tế bào hệ miễn dịch phát hiện tác nhân gây bệnh nhanh hơn. Có thể tập thể dục từ 30 - 60 phút mỗi ngày, bằng nhiều cách. Một số cách cơ bản như tập gym, yoga, đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang hoặc làm việc nhà sẽ giữ cho bản thân luôn trong trạng thái hoạt động tối ưu”, bác sĩ Nhàn nêu.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng và điều trị bệnh. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao sức đề kháng hiệu quả. Hãy bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống từ những bước nhỏ nhất để cải thiện sức đề kháng của cơ thể.

Nên cân đối giữa nguồn dinh dưỡng từ động vật như thịt, cá, trứng, tôm, cua,... và nguồn thực phẩm từ thực vật từ rau xanh, ngũ cốc, trái cây hàng ngày, đặc biệt là phải bổ sung thêm các nguồn giàu vitamin và khoáng chất.

Ngoài ra, uống đủ nước mỗi ngày cũng giúp cải thiện sức đề kháng. Nước giúp tăng cường trao đổi chất, giúp tim bơm máu và vận chuyển oxy trong máu hiệu quả hơn, từ đó vận chuyển chất dinh dưỡng thiết yếu phục vụ cho các hoạt động của tế bào miễn dịch.

Cần hạn chế những loại thực phẩm đã qua chế biến, thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ ăn vặt, thức uống nhiều đường, có ga… Đặc biệt nên tránh xa rượu bia, thuốc lá.

Rượu làm cho hệ thống miễn dịch rối loạn và quá trình nhiễm khuẩn kéo dài, lâu lành hơn. Nó cũng phá vỡ hệ vi sinh vật trong ruột, do đó làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột. Còn đối với những người hút thuốc thì dễ mắc bệnh về phổi và các vấn đề hô hấp khác.

Bác sĩ Nhàn nhấn mạnh, hệ tiêu hóa có khỏe mạnh thì bé mới có sức đề kháng tốt, phòng chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh. Đặc biệt có tới 80% khả năng miễn dịch của trẻ ở đường ruột. Khi đường ruột có vấn đề trẻ dễ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn liên miên và rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Từ đó, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ cũng kém đi, trẻ sẽ dễ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là tiền đề cơ bản để trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh chống lại các vi khuẩn, virus gây hại từ môi trường xung quanh.

Tập thể dục điều độ là một liệu pháp mang đến nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

Tập thể dục điều độ là một liệu pháp mang đến nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người ngủ chưa đủ giờ hoặc giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc dễ bị bệnh hơn khi tiếp xúc với virus, vi khuẩn, ví dụ như cảm cúm, sổ mũi. Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian hồi phục cơ thể khi bị ốm. Thiếu ngủ trong thời gian dài làm giảm sức đề kháng của cơ thể trước các điều kiện bất lợi ngoài môi trường.

Để đảm bảo sức khỏe tốt, trung bình mỗi người phải ngủ ít nhất từ bảy đến tám giờ mỗi đêm. Để ngủ ngon hơn, nên tránh sử dụng cafe vào buổi tối, tạo không gian yên tĩnh, thoải mái, nghe nhạc thư giãn trước khi ngủ. Bạn cũng cần phải duy trì thói quen ngủ và nghỉ ngơi đúng giờ để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục.

Không nên thức quá khuya khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động quá mức không cần thiết, mệt mỏi. Hơn nữa, những người đang bị căng thẳng cũng không còn chú ý đến các thói quen lành mạnh khác, chẳng hạn như duy trì chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc. Do đó, ở lứa tuổi nào cũng cần cân bằng, giảm stress và áp lực.

“Người lớn muốn bổ sung thực phẩm chức năng cho trẻ cần hỏi ý kiến chuyên gia tư vấn, tránh mua cho trẻ uống tràn lan các loại thực phẩm chức năng dạng uống không rõ cách dùng, nguồn gốc… Thay vào đó hãy quan tâm tới các thói quen sinh hoạt, tâm lý cũng như dinh dưỡng cho con”, bác sĩ Nhàn khuyến cáo.

Sức đề kháng sẽ ngăn cản các tác nhân gây hại như nấm, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Người khỏe mạnh sẽ rất khó nhiễm bệnh hoặc nếu không may bị nhiễm sẽ nhanh chóng phục hồi. Ngược lại, sức đề kháng yếu là khả năng chống đỡ của cơ thể bị kém đi trước các vi khuẩn gây hại. Trẻ em có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh và có thời gian lành bệnh lâu hơn so với những trẻ có sức đề kháng tốt. Bác sĩ NGUYỄN THỊ THỦY (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.