"Tình trạng lão hóa miễn dịch có thể dẫn đến ung thư, bệnh tim mạch và các loại bệnh nền khác và làm giảm hiệu quả của vắc xin" - Kết luận trong nghiên cứu mới được công bố của tiến sĩ Eric Klopack và các đồng nghiệp tại Trường Lão khoa Leonard Davis thuộc Đại học Nam California.
Tiến sĩ Klopack nói: "Ở những người chỉ số căng thẳng cao, hệ miễn dịch già cỗi hơn. Tỷ lệ tế bào chống dịch bệnh mới thấp và tế bào T (đặc trị mầm bệnh) đã bị bào mòn cao hơn".
Tế bào T là một trong những hàng rào bảo vệ quan trọng nhất cơ thể, có khả năng loại bỏ trực tiếp tế bào nhiễm virus và ung thư, đồng thời tiêu diệt các tế bào hình liềm già nua, không còn phân chia được nữa.
Tế bào T được kích hoạt bởi tế bào đuôi gai để tạo ra phản ứng miễn dịch. Ảnh: CNN. |
Các nhà khoa học phát hiện ở người có mức độ căng thẳng cao, tế bào hình liềm phát triển mạnh hơn. Tế bào này có hại cho cơ thể bởi chúng giải phóng nhiều protein ảnh hưởng đến các mô xung quanh, gây ra viêm mạn tính. Khi tế bào hình liềm tích tụ nhiều trong cơ thể, chúng còn thúc đẩy tình trạng lão hóa, chẳng hạn loãng xương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Alzheimer.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích xét nghiệm máu của hơn 5.700 người trưởng thành trên 50 tuổi, nằm trong công trình lớn hơn tìm hiểu về sức khỏe và hưu trí.
Các tình nguyện viên được khảo sát về mức độ căng thẳng xã hội, gồm "các vấn đề gây stress trong cuộc sống, tình trạng căng thẳng mạn tính, kỳ thị hàng ngày và xuyên suốt cuộc đời", tiến sĩ Klopack nói. Phản ứng của họ sau đó được so sánh với mức tế bào T trong xét nghiệm máu.
Nghiên cứu cho thấy người bị căng thẳng có ít tế bào T mới hơn, ngay cả khi đã hạn chế thuốc lá, rượu bia, kiểm soát cân nặng.
Các chuyên gia cũng cho biết khi nồng độ hormone căng thẳng của cơ thể tăng, các mạch thần kinh trong não thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và đưa ra quyết định. Tất cả các thay đổi thần kinh này có tác động lên toàn bộ cơ thể, bao gồm hệ thống trao đổi chất và miễn dịch.
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng tâm lý có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ảnh: Freepik. |
"Các tác nhân gây căng thẳng phổ biến nhất thường tồn tại lâu dài và ở mức độ thấp, ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách nhất định. Ví dụ, căng thẳng có thể khiến chúng ta lo lắng và trầm cảm, mất ngủ vào ban đêm, ăn uống quá độ, nạp nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể, hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu", chuyên gia thần kinh Bruce McEwen cho biết.
Ông McEwen là người vào năm 1968 đã phát hiện ra rằng vùng hải mã của não có thể bị thay đổi bởi các hormone căng thẳng như cortisol, đã qua đời vào năm 2020 sau 54 năm nghiên cứu về thần kinh học tại Đại học Rockefeller ở thành phố New York.
"Bị căng thẳng cũng có thể khiến chúng ta bỏ bê việc gặp gỡ bạn bè, nghỉ làm hoặc giảm mức độ tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên", ông McEwen viết viết trong một đánh giá về tác động của căng thẳng đối với não.
Suzanne Segerstrom, giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Kentucky ở Lexington, nhận định: "Nghiên cứu bổ sung thêm dữ liệu cho thấy cả căng thẳng tâm lý và tình trạng sức khỏe nói chung đều ảnh hưởng đến quá trình lão hóa miễn dịch".