Giải mã hệ miễn dịch lão hóa nhanh

GD&TĐ - Năm tháng qua đi, hệ thống miễn dịch của con người dần suy yếu. Tuy nhiên, có những người cao tuổi nhưng sở hữu sức khỏe tốt, trong khi người tương đối trẻ lại dễ nhiễm bệnh. Điều gì có thể giải thích sự khác biệt về sức mạnh của hệ thống miễn dịch ở những người cùng tuổi?

Giải mã hệ miễn dịch lão hóa nhanh

Nguyên nhân căng thẳng

Nghiên cứu mới của Đại học Nam California (USC) tại Mỹ cho biết sự căng thẳng, dưới dạng những chấn thương, lo lắng và phân biệt đối xử có khả năng làm tăng tốc sự lão hóa của hệ thống miễn dịch. Nó có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch và bệnh tật do các bệnh truyền nhiễm như Covid-19.

Nghiên cứu trên được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Nó có thể giúp giải thích sự chênh lệch về sức khỏe liên quan đến tuổi tác, bao gồm mức độ bất bình đẳng của đại dịch và xác định những yếu tố có thể can thiệp.

Tác giả chính của nghiên cứu là học giả sau tiến sĩ Eric Klopack của USC. Ông cho biết nghiên cứu này giúp làm rõ các cơ chế liên quan đến quá trình tăng tốc sự lão hóa của hệ miễn dịch.

Khi con người già đi, hệ thống miễn dịch bắt đầu suy giảm một cách tự nhiên. Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch suy yếu, họ có quá nhiều tế bào bạch cầu bị hao mòn và có quá ít tế bào bạch cầu mới, khỏe mạnh, sẵn sàng đối đầu với bệnh tật mới xâm nhập.

Các vấn đề tiềm ẩn

Lão hóa hệ thống miễn dịch không chỉ liên quan đến ung thư mà còn tới bệnh tim mạch, tăng nguy cơ viêm phổi, giảm hiệu quả của vắc-xin và lão hóa các cơ quan trong cơ thể.

Tuy nhiên, vì sao có những người trưởng thành cùng tuổi nhưng lại có sức khỏe khác nhau? Các nhà nghiên cứu của USC đã cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa căng thẳng lâu dài và sự suy giảm của hệ miễn dịch.

Họ đã xem xét và đối chiếu các bộ dữ liệu khổng lồ trong Nghiên cứu về Sức khỏe người cao tuổi của Đại học Michigan. Đây là nghiên cứu quốc gia dài hạn về kinh tế, sức khỏe, hôn nhân, tình trạng gia đình và các hệ thống hỗ trợ của người Mỹ cao tuổi.

Để đo lường mức độ tiếp xúc với nhiều loại căng thẳng xã hội khác nhau, các nhà nghiên cứu đã phân tích câu trả lời từ một mẫu gồm 5.744 người lớn trên 50 tuổi. Họ đã trả lời một bảng câu hỏi được thiết kế để đánh giá trải nghiệm bao gồm các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, căng thẳng mãn tính, sự kỳ thị và phân biệt đối xử suốt đời.

Sau đó, mẫu máu của những người tham gia được phân tích thông qua phương pháp đo tế bào dòng chảy. Đây là một kỹ thuật trong phòng thí nghiệm nhằm đếm và phân loại các tế bào máu khi chúng đi qua theo một dòng hẹp trước tia laser.

Đúng như dự đoán, người có chỉ số căng thẳng cao hơn sẽ có cấu hình miễn dịch già hơn và có ít tế bào bạch cầu mới khỏe mạnh có thể chống lại bệnh tật. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm tế bào bạch cầu già nua yếu ớt lại cao hơn.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sau khi kiểm soát các yếu tố về giáo dục, hút thuốc, uống bia rượu, chỉ số khối cơ thể (BMI) và chủng tộc, các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống luôn đi kèm với số lượng tế bào T sẵn sàng phản ứng với bệnh tật bị ít đi.

Một số nguồn gây căng thẳng không thể kiểm soát nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có một cách giải quyết.

Tế bào T là một bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Nó trưởng thành trong tuyến ức và nằm ngay phía trước ở bên trái tim. Khi con người già đi, mô trong tuyến ức co lại và được thay thế bằng mô mỡ, dẫn đến việc cơ thể giảm sản xuất các tế bào miễn dịch.

Nghiên cứu trước đây cho thấy quá trình này được đẩy nhanh bởi các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống nghèo nàn và ít tập thể dục và chúng đều liên quan đến căng thẳng xã hội.

Cải thiện việc tập thể dục và chế độ ăn có thể giảm tốc độ lão hóa của hệ miễn dịch.

Cải thiện việc tập thể dục và chế độ ăn có thể giảm tốc độ lão hóa của hệ miễn dịch.

Giảm tốc độ lão hóa hệ miễn dịch?

Tiến sĩ Eric Klopack cho biết, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thấy rằng những người gặp nhiều căng thẳng thường có thói quen ăn uống nghèo nàn và tập thể dục kém hơn. Điều này giải thích phần nào hệ miễn dịch của họ bị lão hóa nhanh hơn.

Cải thiện chế độ ăn uống và hành vi tập thể dục ở người lớn tuổi có thể bù đắp việc hệ miễn dịch bị lão hóa có liên quan đến căng thẳng.

Ngoài ra, virus cytomegalov (CMV) có thể là mục tiêu để can thiệp. Đây là loại virus phổ biến, thường không có triệu chứng ở người và được biết là có tác dụng mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh quá trình lão hóa miễn dịch.

Giống như bệnh zona hoặc mụn rộp, hầu hết thời gian CMV không hoạt động nhưng nó có thể bùng phát, đặc biệt là khi một người đang trải qua căng thẳng cao độ.

Trong nghiên cứu này, việc kiểm soát đối với hoạt động của CMV cũng làm giảm mối liên hệ giữa căng thẳng và quá trình lão hóa miễn dịch tăng nhanh.

Do đó, các nhà nghiên cứu cho biết, việc tiêm phòng CMV trên diện rộng có thể là một biện pháp can thiệp tương đối đơn giản và có tiềm năng mạnh mẽ. Nó có thể giúp giảm tác động của căng thẳng đối với quá trình lão hóa hệ thống miễn dịch.

Theo Scitech Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ