Hệ thống bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh trong phòng dịch

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Lê An và cộng sự vừa hoàn thiện hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế và người bệnh ứng dụng trong phòng chống dịch.

Nhân viên y tế chăm sóc người mắc Covid-19 năm 2021. Ảnh minh họa: INT
Nhân viên y tế chăm sóc người mắc Covid-19 năm 2021. Ảnh minh họa: INT

PGS.TS Phạm Lê An, Trường Đại học Y Dược TPHCM và cộng sự vừa hoàn thiện hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế và người bệnh ứng dụng trong phòng chống dịch.

Hạn chế nguy cơ lây nhiễm

“Với việc làm chủ công nghệ, vật liệu sử dụng có sẵn, giá thành rẻ, dễ thi công, sản phẩm chắc chắn có giá thành rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm có trên thị trường hiện nay. Nhóm tin rằng còn nhiều dư địa phát triển và tiềm năng lớn để thương mại hóa sản phẩm”, PGS.TS Phạm Lê An cho biết.

Trong dịch Covid-19, vấn đề bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế dự phòng lây nhiễm chéo là hết sức cấp thiết, chưa có giải pháp tổng thể. Người bệnh đến bệnh viện tuyến quận để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có suy hô hấp nhẹ, vừa cần được thở oxy, máy trợ thở (CPAP), hoặc oxy liều cao như thở máy không xâm lấn (NIV) và nặng hơn sẽ chuyển tuyến.

Một trong những trở ngại của giải pháp này là phát tán Covid-19. Bên cạnh đó, chưa có giải pháp khử khuẩn bề mặt cho nhân viên y tế khi mặc đồ bảo hộ chăm sóc bệnh nhân và rời khỏi phòng bệnh gây lây lan khi cởi bỏ đồ bảo hộ, nhất là ở tuyến quận/huyện. Ngoài ra, việc tái sử dụng dụng cụ, khẩu trang trong điều kiện vật tư y tế Việt Nam đang là yêu cầu quan trọng.

Nhóm nghiên cứu đã bắt tay thực hiện hạn chế lây nhiễm chéo bệnh Covid-19 giữa nhân viên y tế và bệnh nhân thông qua xây dựng giải pháp tổng thể để giải quyết sự thiếu hụt giường bệnh, đồ bảo hộ cá nhân… góp phần vào chiến dịch đẩy lùi Covid-19 trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo và cung cấp thêm không gian điều trị bệnh cho hệ thống y tế Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng chiến lược phân tích, đánh giá thực trạng, xây dựng giải pháp; nghiên cứu thiết kế chế tạo mặt nạ N95 cải tiến cho nhân viên y tế; thiết kế chế tạo hệ thống trợ thở không xâm lấn NIV cải tiến từ mặt nạ lặn, và hệ thống cung cấp oxy lưu lượng cao cải tiến từ mặt nạ lặn.

Ngoài ra, nhóm còn hoàn thành một giải pháp tổng thể phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19 cho nhân viên y tế và bệnh nhân; chế tạo hệ thống PAPR mặt nạ N95 cải tiến có bơm khí và bộ lọc cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân; chế tạo mặt nạ cải tiến từ mặt nạ lặn cho hệ thống trợ thở không xâm lấn, và cho hệ thống cung cấp oxy lưu lượng cao cho bệnh nhân.

Hệ thống PAPR mặt nạ N95 cải tiến bao gồm 4 loại mặt nạ (nửa mặt, kín mặt, trùm đầu, mặt nạ lặn 180 độ), đã được quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích Mặt nạ phòng độc có khả năng điều chỉnh lưu lượng cấp khí đầu vào.

Sản phẩm mặt nạ với tiêu chuẩn tương đương mặt nạ bảo vệ hô hấp 3M với giá thành hợp lý (chỉ bằng 1/10). Hệ thống mặt nạ cho bệnh nhân thở NIV cải tiến từ mặt nạ lặn đã đạt kiểm định màng lọc và được quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích Van lọc khí áp lực dương được bố trí ở đầu ra của mặt nạ hỗ trợ hô hấp.

Có thể sử dụng khi phun thuốc trừ sâu, môi trường khói bụi

Các sản phẩm bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh khỏi nguy cơ dịch dễ lây lan.

Các sản phẩm bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh khỏi nguy cơ dịch dễ lây lan.

Theo PGS.TS Phạm Lê An, kết quả đạt được từ các mẫu thiết kế, quá trình gia công, lắp đặt và kiểm định nghiệm thu cho đồ bảo hộ PAPR cho nhân viên y tế cũng như mặt nạ cho bệnh nhân thở NIV/HFNO cải tiến từ mặt nạ lặn với bộ lọc HEPA giúp nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo mặt nạ thở/thiết bị bảo hộ PAPR tiêu chuẩn màng lọc N95 trong việc phòng bệnh và làm việc trong môi trường khói bụi/chất gây ô nhiễm.

Hệ thống có khả năng ứng dụng cao trong lĩnh vực tổ chức xây dựng các hệ thống bệnh viện dã chiến mang yếu tố khẩn cấp và nhanh chóng, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với việc xây dựng các hệ thống phòng cách ly áp lực âm cố định tại một hay nhiều khu vực điều trị. Sản phẩm của đề tài phù hợp cho bệnh nhân và nhân viên y tế trong tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như dự phòng cho các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác trong tương lai.

“Kể cả khi dịch bệnh qua đi, đề tài vẫn có khả năng được ứng dụng trong việc vận chuyển đến những địa điểm vùng sâu, vùng xa, nơi cơ sở hạ tầng chưa phát triển hoặc không có đủ điều kiện để xây dựng một phòng áp lực âm, phòng sạch đúng tiêu chuẩn cho hệ thống bệnh viện khu vực, để sử dụng linh hoạt mà không cần tốn thêm chi phí xây dựng mới. Bên cạnh đó, đồ bảo hộ PAPR sử dụng cho nông dân phun thuốc trừ sâu, công nhân sơn, người lao động trong môi trường ô nhiễm bụi mịn, mùi…”, PGS.TS Phạm Lê An cho biết.

Trong tương lai gần, nhóm nghiên cứu mong muốn sản phẩm được đưa vào các chương trình hợp tác phát triển đa ngành, mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục (các ngành nghề có tiếp xúc với hóa chất độc hại), vệ sinh môi trường… Đồng thời phát triển hướng nghiên cứu mặt nạ PAPR có thêm khả năng lọc mùi để ứng dụng vào môi trường hóa chất độc hại có mùi, giúp bảo vệ sức khỏe người lao động và nâng cao hiệu quả công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.

Nha khoa uy tín Nha Khoa Nhân TâmTìm hiểu về điều trị võng mạc đtđ hiệu quả