Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Chất 'xúc tác' cho phát triển KHCN

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo đại học.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng lab. Ảnh: NTCC
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng lab. Ảnh: NTCC

Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu, khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.

Tạo không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp

Gần 10 năm qua, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đạt nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể hiện rõ chiến lược dài hạn để trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia và khu vực.

PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng cho hay, nhà trường xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ và thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ từ năm 2014. Qua đó, tạo không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cho sinh viên, giảng viên. Trung tâm đã hợp tác với các quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, giúp sinh viên, giảng viên tiếp cận nguồn tài trợ.

Ngoài ra, trường chú trọng đào tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các chương trình đại học và sau đại học để phát triển những thế hệ có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, trường triển khai giải pháp cụ thể như: Xây dựng quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu khoa học (Spin-off), kết nối các Spin-off với tập đoàn lớn để hợp tác và thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ pháp lý cho các nhóm nghiên cứu khi thành lập doanh nghiệp Spin-off.

Không chỉ là nơi đào tạo kiến thức, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn là “vườn ươm” ý tưởng khởi nghiệp. PGS.TS Trần Hiệp - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ cho biết, mỗi năm Học viện cung cấp từ 300 - 500 đề tài nghiên cứu với khoảng 5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Các dự án khởi nghiệp của sinh viên rất đa dạng, từ cây cảnh bonsai đến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

“Nhiều sản phẩm đã thành công và đưa ra thị trường, thậm chí xuất khẩu. Điều này chứng tỏ tiềm năng lớn của sinh viên trong khởi nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, PGS.TS Trần Hiệp cho hay và chia sẻ, một số dự án đạt thành công bước đầu, được thị trường đón nhận và đánh giá cao.

Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của sinh viên Học viện trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Việc kết hợp giữa kiến thức chuyên môn được đào tạo tại trường và sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang tính đột phá, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Thương mại hóa sản phẩm

Cuối năm 2024, Vườn ươm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) ra mắt. Ông Trần Phi Long - Giám đốc chia sẻ, Vườn ươm được kỳ vọng trở thành cầu nối cho các ý tưởng sáng tạo, sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học và sinh viên được hiện thực hóa, phục vụ nhu cầu xã hội.

Với sứ mệnh trở thành cầu nối giữa tri thức, công nghệ và thực tiễn kinh doanh, Vườn ươm có thể giúp các ý tưởng sáng tạo của nhà khoa học và sinh viên hiện thực hóa thành sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao. “Chúng tôi cam kết hỗ trợ toàn diện, từ ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp, đến kết nối các nguồn lực và cơ hội thị trường”, ông Long khẳng định.

Vườn ươm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo cũng là địa chỉ tin cậy, nơi các nhà khoa học, sinh viên chia sẻ những dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội gợi mở, mỗi nhà khoa học, sinh viên cần xây dựng cho mình những ý tưởng nghiên cứu sản phẩm với mục tiêu mang lại giá trị gia tăng, tạo nên giá trị cho xã hội và cơ hội việc làm cho cộng đồng.

Để hiện thực hóa, cần có diễn đàn - nơi kết nối những doanh nghiệp, chuyên gia về quản lý với các nhà khoa học và sinh viên. Từ đó, quản lý vận hành, xây dựng những doanh nghiệp, tập đoàn mới, đưa các sản phẩm nghiên cứu từ phòng lab ra thị trường.

“Các sản phẩm nghiên cứu được chọn cần gắn liền với thực tiễn, có thể thương mại hóa và tạo nên những giá trị cho xã hội. Vườm ươm cũng là cầu nối ủng hộ tinh thần dám nghĩ, dám làm, nắm bắt những cơ hội học hỏi, xây dựng chiến lược, đưa sản phẩm khoa học phục vụ cộng đồng”, GS.TS Lê Quân bày tỏ.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, GS.TS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận thấy sự quan trọng của đổi mới sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp. Đây là nguồn lực để thúc đẩy xã hội phát triển.

“Chúng tôi có Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp. Trung tâm có thể trở thành chất xúc tác cho phát triển các công nghệ, sản phẩm khoa học mới, giúp rút ngắn khoảng cách giữa học thuật và lĩnh vực doanh nghiệp”, GS.TS Jean-Marc Lavest nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Trung tâm không chỉ dành cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường, mà còn là nơi thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, trường đại học khác và thu hút nhân tài…

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam; trong đó, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các viện, trường. Từ đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, giảng viên, kết nối nhu cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Hiện, các trường đại học đi đầu trong đổi mới thông qua thực hiện sứ mệnh như: Cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng thích hợp thông qua giảng dạy; thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

“Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh và cho rằng, các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại trường đại học là vườn ươm phát triển kỹ năng, năng lực và các dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Để phát triển khoa học, công nghệ, cần liên kết, hợp tác giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm của các trường đại học trong và ngoài nước cùng các tổ chức, doanh nghiệp, startup để xây dựng hệ sinh thái nuôi dưỡng, ươm mầm cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Găng tay thông minh của nhóm giới thiệu tại Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2024 - 2025 tại TPHCM. Ảnh: TG

Học sinh chế tạo găng tay hỗ trợ người tai biến

GD&TĐ - Hai nam sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Bình Thuận) đã chế tạo thành công găng tay thông minh hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến, giúp tăng khả năng vận động của đôi tay.

Minh họa/INT

Quanh chuyện cai thuốc lá

GD&TĐ - Hôm 26/5, tại Đà Nẵng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).