Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội

GD&TĐ - Ngày 28/10 tại TP Huế, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) với sự điều phối của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội(CSRD) phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn nhân dân “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân có trách nhiệm các bên liên quan”. 

Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội

Tham dự diễn đàn có hơn 100 đại biểu từ đến từ 6 tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên. Diễn đàn nhân dân là cơ hội để các bên trục tiếp lắng nghe tiếng nói của những người đang chịu tác động tiêu cựu do thủy điện mang lại.

Mất đất sản xuất

Trên cơ sở các báo cáo, hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề có liên quan như: tái định cư, sinh kế và tác động môi trường tại những vùng bị ảnh hưởng của dự án thủy điện. 

Đồng thời, đại diện chính quyền và người dân ở vùng thủy điện cũng tham gia ý kiến trao đổi, phản ảnh những kết quả đạt được cùng những tồn tại, phát sinh và những bất cập trong phát triển thủy điện trong thời gian qua tại miền Trung.

Trao đổi ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn VRN - cho rằng, phần lớn sinh kế và đời sống người dân nông thôn và vùng đồi núi miền Trung đều dựa vào các con sông. Tuy nhiên, từ khi có các nhà máy thủy điện đã tác động không nhỏ đến cộng đồng dân cư.  

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm: “Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thủy điện, xem nhẹ yếu tố môi trường và xã hội mà người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và tổn thất nhất. 

Nhiều cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã không thực thi đúng mức mà thiếu các biện pháp giám sát và chế tài. Việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án”.

Cùng quan điểm này, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) khẳng định, thủy điện đã đóng góp một phần năng lượng cho quốc gia. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về mật độ các nhà máy thủy điện tại miền Trung thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội và đôi khi cả về sự cố kỹ thuật gây nhiều hệ lụy bất lợi cho sự phát triển khu vực.

Cũng tại diễn đàn, Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Thừa Thiên- Huế) đã có những đánh giá về tác động xã hội, môi trường của thủy điện A Lưới - công trình thủy điện lớn nhất tại tỉnh TT- Huế. 

TS Nguyễn Quý Hạnh - Thành viên của nhóm - cho biết: “Thủy điện A Lưới được khởi công từ tháng 6/2007 đến tháng 6/2012 thì hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại. Thủy điện A Lưới có ảnh hưởng trên 1.890 ha thuộc phạm vi 7 xã trên toàn huyện A Lưới với 1.381 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc. Trong số 205 hộ bị thu hồi đất hoàn toàn thì chỉ có 106 hộ được đưa về tái định cư ở thôn Căn Tôm, 99 hộ còn lại tự tìm nơi ở mới.”

Diện tích đất lâm nghiệp bị thu hồi là 420 ha, trong đó đất trồng rừng sản xuất của người dân là chủ yếu với 371 ha. Mất lớn nhất là diện tích đất nông nghiệp gần 540 ha chiếm 45,5% tổng diện tích đất bị mất, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực của người dân miền núi. 

Đó là chưa kể vào mùa lũ, thủy điện còn làm ngập nhà cửa và phần lớn đất sản xuất còn lại. Trong khi đất sản xuất nông nghiệp và đất vườn được cấp ở khu tái định cư căn tôm có chất lượng xấu, khiến người dân thiếu đất sản xuất trầm trọng. 

Ông Hồ Văn Lia - Người dân ở khu tái định cư Căn Tôm (xã Hồng Thương, A Lưới) - cho biết: “Mình lên đây tái định cư được huyện cấp 7.017 m2 đất rẫy, 549 m2 đất lúa. Đất rẫy thì ở xa, đất lúa gần sông toàn đá, không cuốc cày gì được. Giờ vùng đất cũ thì ngập nước hết rồi, không về được nữa”.

Môi trường kêu cứu

Tham gia diễn đàn nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường (SEIA) gồm các tác giả Nguyễn Quý Hạnh, Lê Thị Nguyện, Bùi Phước Chương, Nguyên Văn Quế đã đưa ra 5 kiến nghị gửi đến các bên liên quan trong đó chú trọng đến kiến nghị phản ánh tác động của thủy điện A Lưới ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. 

Người dân cần được thông tin đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ về bồi thường và các chính sách liên quan khác. Hơn nữa kinh nghiệm, trí thức và văn hóa bản địa cần được tôn trọng và phát huy trong mọi can thiệp nhằm mục đích phục vụ cho sự phát triển. Các hoạt động di dân đền bù, hỗ trợ sinh kế, phát triển cộng đồng đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng Thủy điện A Lưới cần được hoạch định và thực thi trong cả ngắn hạn và dài hạn cũng như liên kết tổng hợp các can thiệp khác nhau để tạo ra thay đổi thực sự.

Các dự án thủy điện được xây dựng “ồ ạt” trong thời gian qua đã làm gia tăng một phần năng lượng quốc gia và khu vực nhưng cũng đã gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong 5 năm qua do xuất hiện ngày càng nhiều hệ lụy tiêu cực về môi trường và xã hội tác động đến cộng đồng dân cư sống ở vùng miền Trung- Tây Nguyên. 

Đơn cử tại huyện Hương Trà nơi có hai nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền. Theo báo cáo tham luận của nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường xã hội của SEIA (một tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế ) thì hai dự án thủy điện này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng cho địa phương…

Tuy nhiên, đối với người dân địa phương hai dự án thủy điện trên cũng mang nhiều khó khăn:. Chính quyền thị xã phải xử lý công tác tái định cư, giải quyết an sinh xã hội cho nhiều người dân bị ảnh hưởng phải di dời. 

“Vùng hạ du sông Hương, sông Bồ trước đây có khoảng 1.000 ha cây bưởi Hương Trà là đặc sản của Huế, song hiện nay chỉ còn 300 ha, vì phù sa không về được, cây bưởi không còn tốt tươi, người dân đành chặt bỏ.

Trong khi đó, thực tế hiện nay tại Hương Trà, việc cam kết đảm bảo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa làm được. Hiện thị xã đang tiến hành thu hồi khoảng 387,2 ha lâm trường để giao cho dân sản xuất.

Ở góc độ của người dân sống tại địa bàn có dự án thủy điện, ông Nguyễn Văn Thẩm (sống ở hạ lưu thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hầu hết người dân đều quê ông ủng hộ xây dựng thủy điện nhưng Ban quản lý dự án thủy điện cũng cần điều tiết nước hợp lý để mùa khô nông dân trồng trọt không thiếu nước và mùa mưa lũ cũng phải được điều tiết phù hợp. Không để xảy ra trường hợp như ngày ngày 2/10  thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ nhưng người dân ở hạ lưu thủy điện này không hề hay biết.

Bà Phan Thị Qua ở thôn tái định cư thủy điện (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ) thì than vãn: “Ở khu tái định cư chúng tôi có đường, có điện, có trạm y tế, nhưng ruộng lúa lại không có nước để canh tác”.

Theo Ban tổ chức, Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn đối thoại đa chiều để các nhà đầu tư, các cấp chính quyền, nhà làm chính sách, người bị ảnh hưởng… có điều kiện đối thoại, thảo luận về những vấn đề tồn tại, nảy sinh trong phát triển các dự án thủy điện. 

Từ đó, các bên liên quan cùng nhau tìm được các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc trong quá trình phát triển thủy điện ở các lưu vực sông tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội ảnh 1Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội ảnh 2Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội ảnh 3Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội ảnh 4Hệ lụy từ thủy điện tác động đến môi trường, xã hội ảnh 5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ