(GD&TĐ) - Với lợi thế nằm gần sát với thành phố, đường giao thông thuận tiện, quỹ đất rộng rãi lại cách Thủ đô Hà Nội vài chục cây số, quê tôi quả là nơi lý tưởng để xây dựng và phát triển khu công nghiệp. Cuộc sống người dân quê tôi cũng thay đổi từ đó - sự thay đổi mang đến nhiều điều tích cực nhưng cũng kéo theo những hệ lụy buồn...
Nhà nhà bán đất
Khi xã chính thức chuyển thành phường, các dự án rầm rập thi công, đất quê tôi bỗng “sốt sình sịch”. Đất ở mặt đường lớn hay mặt đường nhỏ, khu trung tâm hay tít tận ngóc ngách cuối thôn đều trở thành tấc đất tấc vàng theo đúng nghĩa của nó.
Đất được xẻ ra bán theo mét vuông chứ không theo sào, theo mảnh như trước kia. Mỗi nhà đều có vài trăm thậm chí vài nghìn mét đất. Nhiều nhà trước kia ngoài việc đồng áng thì mô hình VAC (Vườn –Ao – Chuồng) cũng đem lại ít nhiều thu nhập cho người dân nhưng giờ đây thì khác. Mỗi mét vuông đất đã có giá vài triệu thì nhiều người lại tính kế mua đất lấp ao. Thậm chí với những mảnh đất rộng thì căng dây đo đạc, tính toán tự tạo thành đường to như đường ngõ, đường thôn để dễ chia lô bổ cột. Lô quay hướng Nam, lô quay hướng Bắc, hướng Tây, hướng Đông đều có giá và đều tiêu thụ được hết.
Giờ về quê, khắp thôn trong thôn ngoài, khắp bờ tường, thân cây đều treo nhan nhản biển BÁN ĐẤT. Các dịch vụ môi giới mọc lên như nấm. Một cụ ông trong quán nước trầm ngâm cho biết xã này có tới 60% các hộ gia đình ít nhiều đã bán đất. Có gia đình bán đất đến 4, 5 lần. Số tiền thu được từ đền bù và bán đất mỗi hộ ít thì cũng vài trăm triệu, nhiều thì lên tới vài tỉ đồng.
Khi dự án về làng |
Những hệ lụy
Cuộc sống thay đổi khiến nhiều người không còn mặn mà với công việc đồng áng. Nhiều nhà cấp 4 lợp prô xi măng được cấp tốc xây dựng chia thành nhiều gian nhỏ để kinh doanh nhà trọ cho công nhân. Một số gia đình gom tiền mở quán: Karaoke, game tốc độ cao, cà phê, cắt tóc gội đầu, hàng ăn... mà không cần lợi thế mặt tiền hay gần đường lộ. Chỉ tính một thôn mà có tới hàng chục quán cháo lòng tiết canh, giá thành hợp lý, khách toàn anh em họ hàng, hay chí ít thì cũng người làng người xóm. Sáng dậy đã ơi ới gọi nhau. Một bát cháo lòng vài chai rượu trắng thế là đủ cho cánh mày râu ăn sáng đến trưa với bao chuyện phải bàn: Chuyện đại sự như dự án đường sắp mở đi qua thôn nào, xém vào nhà ai; giá đất lên hay xuống; chuyện hoa hồng được trả bao nhiêu sau những giao dịch mua bán đất thành công hoặc say sưa nghe những chủ đề có máu mặt truyền kinh nghiệm về cách tính đề với các phương pháp khác nhau...
Con trai con gái trong làng giờ quan tâm đến chơi nhiều hơn học: Tóc xanh tóc đỏ, nối tóc, nối mi, xe đời mới, điện thoại di động thay như thay áo. Nói chuyện trên mạng, kết bạn trên mạng, rồi cũng qua mạng mà tình cờ là nửa của nhau, hết mình cho nhau...
Mặc dù không ít gia đình giờ đây tạm thời không bị cái nghèo đeo bám, cuộc sống từ cái ăn cái mặc không phải tính toán như trước, thậm chí còn sung túc lên rất nhiều, nhưng bất hạnh cũng từ đó mà sinh sôi. Rượu theo người từ quán về nhà. Rượu cậy tiền khinh rẻ vợ. Rượu điều khiển đánh đập vợ con khi không vừa ý. Những đứa con mới lớn trượt dài theo những cuộc đua xe, thâu đêm trong quán net hay các tệ nạn khác. Khi đất “sốt hầm hập” nhiều người dốc hết tiền của, vay lãi theo ngày để đầu cơ đất, giờ bất động sản nằm bất động, tụt dốc không phanh, tiền đền bù lẫn tiền bán đất giờ trả lãi không xong. Những đường dây hụi, họ cũng lần lượt đổ bể khiến không chỉ quê tôi mà nhiều vùng quê khác trở lên xơ xác...
Tường Vy