Hé lộ vụ máy bay do thám U2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi

Có mặt trên lễ đài lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ giữa trung tâm thủ đô Moscow, trong buổi diễu hành truyền thống kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động hàng năm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô Nikita Khrushchev (1894-1971) đã nhận được thông tin chính thức, do Tư lệnh Lực lượng Phòng không Liên bang trực tiếp đến báo cáo về chiếc phi cơ gián điệp vừa bị bắn hạ.

Hé lộ vụ máy bay do thám U2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi
Điệp viên CIA Francis Powers trước khi cất cánh.

Điệp viên CIA Francis Powers trước khi cất cánh.

Phi công bay nghiên cứu khí tượng mang theo đồng xu chứa thuốc độc!

Rạng sáng ngày 1/5/1960, viên Đại úy phi công Francis Gary Powers (1929-1977), thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thức giấc tại căn cứ không quân Badaber ở Peshawar (Pakistan), để chuẩn bị cho chuyến bay dài hơn 6.000km trên chiếc máy bay không thám U-2 (còn được mệnh danh là Thiên sứ) bay lên phía bắc, băng qua rặng núi Ural tới căn cứ không quân Mỹ Bodge ở Na Uy, nhằm do thám lãnh thổ Liên Xô từ độ cao 20km - độ cao “tuyệt đối an toàn”- theo đánh giá của các chuyên viên tình báo Mỹ.

Khi đang mặc đồ bay, chợt nhân viên CIA phụ trách theo dõi chuyến bay hỏi Powers: “Anh có muốn đồng đôla bạc không?”. Đó là một đồng tiền xu bình thường như mọi đồng 1 USD bằng kim loại khác, phía trên gắn móc nhỏ trang trí vào xâu đeo chìa khóa. Nhưng bên trong, giữa 2 mặt xu là một chiếc kim chích nhỏ chứa liều thuốc độc cực mạnh, dành cho mọi điệp viên lái máy bay không thám U-2 dùng để tự sát trong trường hợp bị đối phương bắt sống và tra khảo. Điệp viên Powers bỏ đồng xu vào túi quần bay trên đường ra chỗ chiếc phi cơ không sơn số hiệu đỗ trong hầm chứa.

Vẫn theo các chuyên gia của CIA thì trong trường hợp gặp nạn, các phi công lái máy bay U-2 khó mà sống sót nổi, bởi trước mỗi chuyến bay “đi Liên Xô” người ta đều đặt dưới ghế lái một khối thuốc nổ cực mạnh. Mọi phi công đều được khuyến cáo rằng trong trường hợp có hỏng hóc bất ngờ, họ có nhiệm vụ phải nhấn nút phát hỏa khối mìn trước khi nhảy dù. Ai cũng thừa hiểu là trái bom đó không những làm nổ tung máy bay cùng máy móc bên trong, mà cả viên phi công cũng… tan thây.

Lệnh cất cánh ban ra lúc 6 giờ 26 phút. Powers nhanh chóng đạt tới độ cao 20km. Vừa mới toát mồ hôi bởi khí nóng dưới mặt đất, giờ đã run lên vì lạnh cóng trên tầng cao “khó với”… Đúng một tiếng đồng hồ sau chiếc U-2 đã tới không phận biên giới Liên Xô. Không thể dùng đàm thoại viễn thông được nữa, bởi như vậy sẽ khiến người Nga bắt được tần số liên lạc. Thay vào đó, điệp viên Powers truyền về Pakitstan 2 tiếng gõ vào microphone. Căn cứ Peshawar đáp lại bằng một tiếng gõ, nghĩa là cứ tiến hành theo kế hoạch!...

Chiếc U-2 đã bay ngang qua biển Aral và tiếp tục bay lên phía bắc về hướng Chelyabinsk. Lúc này bộ phận lái tự động đột nhiên bị hỏng, máy bay luôn ngóc đầu lên cao khiến Powers phải chuyển qua chế độ lái bằng tay - nếu như muốn chuyến do thám vẫn được tiếp tục. Đã qua 2.400km sâu vào vùng “lãnh thổ cấm”. Mục tiêu tiếp đến của viên phi công gián điệp là vùng ngoại vi thành phố Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg), nơi CIA nghi người Nga đang cất giấu loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đời mới. Powers mở máy quay phim có độ phân giải cao cùng các thiết bị không thám chuyên dụng khác, rồi quay ngoặt một góc 90 độ theo cạnh tây nam bên trên thành phố…

Chiếc phi cơ gián điệp U-2 đã đi được hơn một nửa quãng đường theo dự tính. Lúc này ở Washington D.C (Mỹ) là 1 giờ 53 phút sáng ngày 1/5/1960, còn tại Moscow (Nga) là 8 giờ 53 phút, bỗng phi công Powers cảm thấy một cú va đập mạnh kèm tiếng “pục”. Powers thốt lên: “Chúa ơi, họ bắn trúng mình rồi!”. Chiếc U-2 bắt đầu chúi xuống khiến Powers không thể kiểm soát máy bay được nữa. Quả tên lửa đất đối không SAM-2 nhắm trúng đã làm gãy cánh U-2, hất viên phi công văng ra khỏi ghế lái… Và rồi chiếc dù đã lủng lẳng trên đầu Powers, quanh đó là các mảnh phi cơ vỡ bay loạn xạ. Còn đồng đôla? Powers quyết định mở lấy kim tiêm riêng ra đề phòng khi rơi xuống “vùng đất cấm”…

Có mặt trên lễ đài lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ giữa trung tâm thủ đô Moscow, trong buổi diễu hành truyền thống kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động hàng năm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô Nikita Khrushchev (1894-1971) đã nhận được thông tin chính thức, do Tư lệnh Lực lượng Phòng không Liên bang trực tiếp đến báo cáo về chiếc phi cơ gián điệp vừa bị bắn hạ. Nhà lãnh đạo tối cao chỉ thị: “Phải thu nhặt và đưa ngay xác chiếc U-2 về Moscow triển lãm cho cả thế giới biết dã tâm của Washington; cũng như truy tìm tung tích viên phi công dù sống hay đã chết để làm bằng chứng tố cáo”.

Hé lộ vụ máy bay do thám U2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi - ảnh 1 Vụ U-2” trở thành nguồn tin “sốt dẻo” trên báo Mỹ.
Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower (1890-1969) khi ấy đang nghỉ cuối tuần tại Trại Davis, đột nhiên được thư ký riêng của ông hộc tốc tới thông báo nguồn tin từ CIA: “Một trong những chuyến bay gián điệp trên không của chúng ta đã bị trễ, có thể là bị hạ…”. Đó là điều mà D. Eisenhower lo sợ nhất. Còn CIA và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân thì ra sức trấn an Tổng thống rằng, người Nga không thể bắt sống kẻ lái loại U-2 được, và hơn nữa đấy là chiếc máy bay đen tuyền không sơn phết cờ hiệu gì hết(!). Trực thăng chuyên nhiệm chở D. Eisenhower về Nhà Trắng lúc 4 giờ 26 phút chiều 1/5/1960; cũng vào lúc này F. Powers đang ngon giấc trong xà lim thuộc nhà tù trung ương tại Moscow.

Sáng sớm ngày 2/5, người của CIA tới Nhà Trắng đề nghị Tổng thống D. Eisenhower giao cho Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) công bố với báo giới vào ngày hôm sau một bản thông báo có nội dung: “Phi công lái máy bay nghiên cứu khí tượng U-2 với căn cứ tại Thổ Nhĩ Kỳ bị mất tích, sau khi báo về là gặp trục trặc trong hệ thống dưỡng khí…”. Thông báo này do đích thân Phó giám đốc phụ trách các chiến dịch tuyệt mật của CIA chấp bút, rồi được phát ngôn viên chính thức của NASA đọc trong buổi họp báo đã trù liệu trước, nhằm đáp lại những phản ứng gay gắt từ Điện Kremlin.

Hé lộ vụ máy bay do thám U2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi - ảnh 2 Tổng Bí thư Nikita Khrushchev (đầu tiên bên trái) thị sát tang vật trưng bày tại Moscow.
Trước đó một tiếng đồng hồ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đọc một tuyên bố tương tự do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Christian A. Herter (1895-1966) và Giám đốc của CIA Allen Dulles (1893-1969) đồng soạn thảo. Nhưng với những chứng cớ không thể phủ nhận, bởi xác chiếc U-2 đã được người Nga đưa ra trưng bày công khai, kèm theo những đồ vật tìm thấy trong người viên phi công gián điệp Franci Powers như súng lục giảm thanh, 7.500 đồng rúp Nga, vô số ngoại tệ gồm tiền của các nước phương Tây như Pháp, Tây Đức, Italia… Ngoài ra là 2 chiếc đồng hồ mạ vàng, cùng 7 chiếc nhẫn vàng trang sức cho phụ nữ với dụng ý mua chuộc mạng sống… không thể là những đồ vật để cho một viên phi công bay cao nhằm mục đích khoa học thuần túy (?!).

Rốt cục người Mỹ buộc phải thừa nhận: “Từ lâu đã do thám lãnh thổ nhiều quốc gia khác từ trên cao nhằm thỏa mãn nhu cầu nắm bắt mọi thông tin của đối phương. Kể từ năm 1956, phi cơ chuyên dụng U-2 đã được dùng cho nhu cầu này nhất là những thông tin về tiềm lực công nghiệp chế tạo, cũng như mạng lưới bố trí lực lượng hỏa tiễn vượt đại châu của người Nga”, như tinh thần bức thông điệp của Phó tổng thống Richard Nixon (1913-1994), người vừa từ châu Âu trở về và biết rõ những bằng chứng “không thể chối cãi” mà Moscow có trong tay.

Hé lộ vụ máy bay do thám U2 của Mỹ bị Liên Xô bắn rơi - ảnh 3 Toàn cảnh phiên tòa xử viên phi công gián điệp ở Sverdlovsk.

“Thiên sứ” đã được Tình báo Liên Xô điều chỉnh đồng hồ hiển thị độ cao

Thực ra, ngay từ tháng 7/1956, khi lần đầu tiên Mỹ cho U-2 trinh sát lãnh thổ Liên Xô, Moscow đã phát hiện ra vị khách “không mời mà đến” này. Do không có hỏa lực đạt tới tầng cao như vậy, nên việc tiêu diệt “Thiên sứ” vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi.

Vũ khí chính của lưới hỏa lực quân đội Liên Xô là tên lửa đất đối không SAM-2. Tên lửa này được bắt đầu nghiên cứu chế tạo vào cuối những năm 40 và trang bị cho quân đội vào giữa những năm 50. Năm 1957, lần đầu tiên nó xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cánh trước, cánh chính, khoang và đuôi của tên lửa thiết kế theo hình chữ thập dùng động cơ tên lửa cố định.

Khi tác chiến, mục tiêu bị phá hủy nhờ vào 3.600 mảnh vỡ với tốc độ ban đầu 3 km/giây do sức nổ tạo ra. SAM-2 là vũ khí phòng không mũi nhọn tiên tiến nhất của Liên Xô thời bấy giờ. Trong vụ bắn hạ U-2, SAM-2 tham gia tác chiến lần đầu tiên. Khi Powers điều khiển chiếc máy bay tới không phận tỉnh Sverdlovsk, các đơn vị SAM-2 do các đại úy, Tiểu đoàn trưởng Boris Mojayev và Ivan Ylinysh chỉ huy đã bắn rơi chiếc U-2 trên.

Nhưng tầm bắn xa nhất của SAM-2 lúc bấy giờ vẫn không đạt tới độ cao của máy bay U-2 Mỹ (qua nhiều lần nâng cấp sau này, độ cao bay của SAM-2 cuối cùng lên tới 25 km). Cho nên, dù SAM-2 đã được trang bị cho lực lượng phòng không khi U-2 bay vào Liên Xô lúc đó nhưng nó cũng không có khả năng tiêu diệt U-2. Bởi vậy, sau khi phát hiện máy bay U-2 liên tục trinh sát các căn cứ quân sự tên lửa của mình, dự đoán U-2 còn tiếp tục xâm nhập nữa, nên phía Liên Xô quyết tâm tìm cách ngăn chặn các cuộc thâm nhập.

Trong thời gian ấy, người ta vẫn thắc mắc rằng, máy bay của Powers bị bắn rơi là do trục trặc kỹ thuật hay là người Liên Xô đã có được loại tên lửa có thể bắn hạ U-2? Điều bí ẩn này mãi tới năm 1962 mới được làm rõ sau khi một điệp viên cao cấp Liên Xô là Patolesky tiết lộ bí mật. Bộ phận hiển thị độ cao trên chiếc máy bay của Powers đã bị điệp viên của Liên Xô gắn thiết bị đặc biệt gây ra sự sai lệch về chỉ số trên chiếc đồng hồ đo độ cao.

Còn bản thân Powers khi đó thì vẫn đinh ninh cho rằng anh ta bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao trên 20 km. Bí mật này cũng được đại tá nghỉ hưu Alexander Orlov, người đã trải qua rất nhiều năm trong Lực lượng Phòng không Liên Xô khẳng định. Trong một bài viết được đăng tải năm 1998, ông Orlov nhắc lại rằng chiếc U-2 đã nằm trong tầm bắn của tên lửa SAM-2 khi bay qua khu vực Ural của Liên Xô.

Về phần Đại úy phi công F. Powers cũng thuộc dạng “điệp viên gặp may”. Anh ta đánh rơi đồng xu chứa thuốc độc khi vừa “tiếp đất”. Sau khi bị Tòa án Quân khu Sverdlovsk kết án ngày 17/8/1960 về tội làm gián điệp, cùng mức án 10 năm tù giam với tình tiết giảm nhẹ vì đã thú nhận hành vi hoạt động gián điệp của mình, Powers thụ án tại nhà tù Vladimir cách Moscow 160km về phía đông.

Nhưng chưa đầy 18 tháng sau, đến ngày 10/2/1962 tại một địa điểm giáp ranh giữa Đông và Tây Berlin, F. Powers cùng với điệp viên kinh tế Frederic L. Pryor người Mỹ bị Cơ quan Tình báo CHDC Đức (Stasi) bắt trong tháng 8/1961, qua vai trò trung gian đàm phán của luật sư Mỹ James Donovan (1916-1970), cả 2 đã được xúc tiến trao đổi với Đại tá an ninh Vilyam G. Fisher (1903-1971), với bí danh “Rudolf Abel” là sĩ quan phụ trách cơ yếu trong mạng lưới tình báo thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) trên đất Mỹ, kiêm quyền Trưởng phân cục KGB ở New York là một trong những địa bàn hoạt động gián điệp trọng yếu hàng đầu thế giới, người từng được giới tình báo Xôviết tôn vinh là “Điệp viên của mọi thời”.

“Vụ Thiên sứ U-2” là một trong những “kỳ án” điển hình của thời Chiến tranh lạnh, trong bối cảnh đối đầu Đông - Tây với những bột phát dễ gây xung đột, cùng nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân như vụ khủng hoảng Berlin tại Đức vào cuối năm 1958, hay vụ Vịnh con lợn ở Cuba năm 1961…

Theo Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...