Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người khởi xướng dự án kể, “Phượng Khấu” được hình thành xuất phát từ lòng tự trọng và tự ái sau chuyến đi Huế cách đây 5 năm.
“Văn hóa chính là báu vật hồi môn mà ông cha để lại, tại sao chúng ta lại thờ ơ với nó. Chúng ta hoàn hoàn có thể tự hào rằng người Việt có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa giá trị, văn minh không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tôi muốn làm ra sản phẩm từ chính những hồi môn mà ông cha để lại”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Từ ý tưởng đó cộng với sự hợp sức của những người trẻ có chung đam mê và tự hào dân tộc, “Phượng Khấu” dần hình thành.
Nội dung bộ phim xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, hay còn được gọi là Từ Dụ Thái hậu, bà có vai trò quan trọng trong diễn biến lịch sử chính trị triều Nguyễn.
Bộ phim lấy bối cảnh những năm 1840 – 1847 khi bà còn đang là phi tần của hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những nguy hiểm chốn thâm cung, bà đã đưa con trai Hồng Nhậm lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức), còn bài tấn tôn làm Hoàng Thái Hậu.
“Bên cạnh cuộc tranh quyền đoạt vị chốn hậu cung, “Phượng Khấu” còn cho thấy câu chuyện về thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ thêm.
“Phượng Khấu” là dự án của nhiều cái đầu tiên và khác biệt, lần đầu tiên câu chuyện về thâm cung bí sử chốn hậu cung Việt được đưa lên màn ảnh, nó còn góp phần tôn vinh những giá trị về lễ nghi, văn hóa, ẩm thực, nhã nhạc cung đình… Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim cổ trang nghiên cứu và sử dụng chính xác nhất có thể về trang phục triều Nguyễn.
Cố vấn lịch sử cho đoàn phim, GS Lê Văn Lan đánh giá: “Tôi vô cùng thán phục đoàn làm phim khi dám khai thác đề tài này. Lịch sử Việt Nam có những vấn đề còn đang bị bỏ ngỏ. Qua dự án này sẽ giúp lịch sử trở nên màu sắc hơn, đến với người xem một cách sinh động hơn”.
Bên cạnh đó, GS Lê Văn Lan cho rằng, trước nay phim lịch sử chỉ khai thác câu chuyện của phái nam và dự án phim “Phượng Khấu” là ống kính đầu tiên xoáy vào chốn hậu cung với những câu chuyện của phái yếu.
Nhiều người trong giới làm phim thừa nhận khó khăn nhất của việc làm phim lịch sử, cổ trang ngoài nỗi lo không thu hút khán giả còn dễ bị soi và chỉ trích.
“Phượng Khấu” ngay từ khi đoạn quảng cáo ngắn về phim ra mắt đã gây tranh cãi về giọng miền Nam, sử dụng đại từ nhân xưng “mày” trong nội cung hay áo nhật bình màu sắc đúng theo cấp bậc.
Đoàn làm phim đã lý giải tỉ mỉ thông qua những bài viết trên trang mạng xã hội từ việc quê gốc của bà Từ Dụ là ở Gia Định về sau là Gò Công, cho đến việc vua tuyển mỹ nữ khắp cả nước do vậy nội cung không thể chỉ có giọng Huế…
Đoàn làm phim cũng khẳng định, họ không sợ bị “soi” ra cái sai nhưng mong được góp ý với thái độ xây dựng. Họ sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện từng tập phim, không vì sợ sai, sợ dư luận giám sát mà không làm phim thuần Việt để khán giả cứ phải xem mãi cung đấu của Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếc nuối cho lịch sử Việt Nam.