Hè đến lại lo thiếu sân chơi trẻ em

Hè đến lại lo thiếu sân chơi trẻ em

(GD&TĐ) - Một năm học chuẩn bị khép lại, các em nhỏ đang háo hức đợi chờ một mùa hè thật sôi động. Nhu cầu về một sân chơi ngày hè vẫn là nỗi lo thường trực của những người quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ em đặc biệt là các bậc phụ huynh. Song điều mơ ước ấy dường như vẫn là xa vời.

Cung không đủ cầu

Khi các con chuẩn bị thi kết thúc năm học cũng là lúc mà cha mẹ lại đau đầu về việc làm thế nào để quản lý con trong dịp hè cho tốt. Bên cạnh việc chuẩn bị nội dung ôn tập hè các bậc phụ huynh đều mong muốn con được vận động vui chơi nhưng trên thực tế hiện nay đa phần các khu dân cư đều thiếu vắng sân chơi cho thiếu nhi. 

Tại thành phố lớn như Hà Nội những khoảng không gian mà trẻ em có thể vui chơi như vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài Lê nin hay Quảng trường trước Lăng Bác là nơi lý tưởng mà các bậc phụ huynh thường cho con đến chơi vào những buổi chiều. Tuy nhiên những khu vui chơi như thế này quá ít ỏi để đáp ứng như cầu ngày càng tăng của các gia đình…  Bác Hoàng, cán bộ lâu năm sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết: Tại các dãy nhà A, nhà E, nhà C nằm trên đường Nguyễn Quý Đức trước đây khi thời bao cấp, số lượng dân sống ở đây không nhiều như bây giờ. Một số dãy nhà tập thể còn có diện tích sân chơi tới vài trăm m2 cũng đủ để cho người già và trẻ nhỏ có chỗ vui chơi thư giãn. Nhưng qua thời bao cấp, số lượng dân nhập cư gia tăng cộng với việc tăng dân số không kiểm soát được nên dân số ở những khu này tăng đột biến. Các gia đình có ba thế hệ cùng chung sống trong một căn tập thể 30m2 không ít. Nhiều gia đình phải cơi nới để mở rộng sinh hoạt. Chính vì vậy những không gian vui chơi này dường như càng bị thu hẹp lại bởi lượng người gia tăng… 

Thiếu sân chơi, trẻ phải đá bóng trên vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông
Thiếu sân chơi, trẻ phải đá bóng trên vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông

Nhưng ngay ở không gian riêng hiếm hoi này nhiều người dân vẫn lấn chiếm để bán hàng, trông xe. Vô hình trung việc làm này ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực và giảm đi diện tích vui chơi của trẻ em mặc dù quá ít ỏi. Chị Lan sống ở khu nhà A chia sẻ: Kỳ nghỉ hè sắp tới gia đình chị cũng như nhiều gia đình sống tại khu tập thể này đều trăn trở về sân chơi cho con ngày hè. Dãy nhà chị có 5 tầng, mỗi tầng có 8 hộ và có khoảng trên 40 trẻ nhưng dãy nhà không hề có sân chơi nên phần lớn vào những dịp hè các cháu đều bị nhốt trong nhà, quanh quẩn hết xem ti vi lại vào internet vì vậy ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Cả một khu Thanh Xuân Bắc mấy năm gần đây được đầu tư xây dựng một khu vui chơi không rộng lắm sát nhà văn hóa song chủ yếu là các trò chơi cho trẻ nhỏ, còn trẻ từ 7, 8 tuổi trở lên vẫn khó khăn để tìm chỗ vui chơi.

Tiềm ẩn những rủi ro

Nếu các khu dân cư cũ, phần lớn các sân chơi đều xuống cấp hoặc bị thu hẹp diện tích, còn tại những khu đô thị mới, vấn đề sân chơi cho trẻ vẫn là bài toán chưa có đáp số. Mỗ Lao (Hà Đông) là một trong những khu đô thị mới với quỹ đất khá lớn, hiện nay nhiều hộ dân đã xây nhà để ở nhưng vẫn chưa có khu vui chơi riêng. Ngay cả khu dân cư đã ổn định từ lâu cũng chưa hề có một khu vui chơi đúng nghĩa cho trẻ em trừ một khoảng sân nhỏ phía trước chợ mới được tu sửa sơ sài. Bởi vậy chiều chiều trẻ em và thanh niên thường mang bóng ra đá ngay trên đường gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho các chủ phương tiện qua lại. 

Ở khu vực nội thành, sân chơi cho trẻ em trong dịp hè luôn là vấn đề nan giải. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường cho con tham gia các lớp năng khiếu, đi tham quan du lịch, đến bể bơi, hay các câu lạc bộ. Song không phải bất cứ gia đình nào cũng có điều kiện cho con cái tham gia những CLB vui chơi như vậy. Những gia đình có mức thu nhập trung bình thì chỉ ước mong đơn giản ngay tại nơi sinh sống có một không gian để con trẻ được tham gia những trò chơi lành mạnh sau những giờ học căng thẳng. Thiếu nơi vui chơi khiến nhiều trẻ em bị cuốn theo những trò chơi điện tử. Căn bệnh nghiện game len lỏi vào từng gia đình gây ra những hệ lụy khó lường. Thực tế cho thấy, xây dựng sân chơi cho trẻ là việc làm ý nghĩa và hết sức cấp thiết mà các cấp chính quyền địa phương phải đặt ra mục tiêu mới mang đến cho trẻ một không gian để phát triển toàn diện tránh xa các nguy cơ tiêu cực.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Mục tiêu đưa ra như vậy nhưng đến bao giờ những sân chơi khang trang, bổ ích mới bắt đầu xuất hiện?

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ