Hãy tự phòng vệ

Hãy tự phòng vệ

(GD&TĐ) - Bệnh nghề nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, bởi khi mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Nghề nào cũng có những nguy cơ tiềm ẩn mắc những bệnh liên quan đến công việc. Do đó, phòng tránh là trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Chưa có chính sách riêng cho giáo viên mắc bệnh nghề nghiệp

Trước đây, bệnh nghề nghiệp được định nghĩa là bệnh đặc trưng của một nghề, do yếu tố độc hại trong nghề đó tác động thường xuyên và từ từ vào cơ thể người lao động và gây nên bệnh. Theo quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp thì bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động.

Nhà giáo cần có những biện pháp tự phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho bản thân mình
Nhà giáo cần có những biện pháp tự phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho bản thân mình

Những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nghề nghiệp có rất nhiều. Trong lao động sản xuất người lao động có thể phải tiếp xúc với những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, những yếu tố này gọi là tác hại nghề nghiệp. Tác hại nghề nghiệp ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau như mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng lao động, phát sinh các bệnh thông thường hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp. 

Với những người lao động không may bị mắc bệnh nghề nghiệp, Nhà nước đã có các chế độ chính sách quy định chung. Điều 42, Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Thông tư 18/2000/TT-BYT ngày 17/10/2000 của Bộ Y tế hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giám định y khoa cho người lao động tham gia BHXH như sau:

Người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp theo Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung; ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Nhà giáo phải tự phòng vệ

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Từ chế độ ưu tiên, đãi ngộ trong đào tạo giáo viên đến chế độ đãi ngộ trong quá trình công tác và cả khi về hưu. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần to lớn vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà trong thời gian qua. Đồng thời, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực trạng lao động sư phạm hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động, đòi hỏi cần sớm nghiên cứu và giải quyết. 

Cô và trò Trường mầm non Bộc Bố (Bắc Kạn)
Cô và trò Trường mầm non Bộc Bố (Bắc Kạn)

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về “thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông hiện nay” với 580 giáo viên của 27 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, chúng ta không thể không băn khoăn khi biết rằng, điều kiện đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay đang ở mức dưới trung bình. Thời gian làm việc trung bình 60 -70 giờ/tuần (cao gấp 1,5 lần mức quy định của Nhà nước). Trong đó có 50% giáo viên hưởng lương dưới mức bình quân. Không chỉ dừng lại ở đó, tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp đối với giáo viên luôn ở mức cao so với các ngành nghề khác, như bệnh viêm họng mãn tính (khoảng 65%), viêm thanh quản (khoảng 55%), viêm dạ dày, suy nhược thần kinh...

Trong khuôn khổ khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ cho biết qua câu hỏi “Bạn sẽ vẫn chọn nghề dạy học nếu bạn có thêm một lần lựa chọn nghề nghiệp cho mình?” thì có đến 50% giáo viên ở 7 tỉnh, thành trả lời rằng “không”. Trong số 526 giáo viên ở 3 cấp học được hỏi thì có đến một nửa cho biết hối hận với lựa chọn nghề giáo và không muốn tiếp tục dạy học nữa.

Có 3 nguyên nhân mà hầu hết các giáo viên nêu ra là lương bổng thấp, công việc nhiều áp lực, lao động căng thẳng và nghề giáo không được xã hội tôn trọng khiến cho họ nản lòng. Trong đó, nguyên nhân chính yếu là đồng lương không đủ sống dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến nghề nghiệp mà họ đã chọn.

Có nhiều giáo viên bị bệnh nghề nghiệp mà không có điều kiện chữa trị do công việc áp lực và mức lương không đủ sống. Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ giáo viên chưa thỏa đáng, đồng thời nghề giáo không nuôi sống được bản thân và gia đình là nguyên nhân khiến cho đội ngũ giáo viên không còn yêu nghề nữa.

Bà Trần Thị Bắc - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hòa Bình:

Như các bác sĩ khẳng định, nghề nào cũng có thể dẫn đến bệnh nghề nghiệp nếu người lao động không biết cách tự phòng vệ. Với nghề giáo viên cũng vậy, mỗi người phải biết cách phòng vệ cho mình để nguy cơ mắc bệnh ít hơn.  Song, để giáo viên thật sự yêu nghề thì trước hết phải tạo điều kiện cho giáo viên làm việc hiệu quả, chăm lo tốt hơn nữa tới đời sống giáo viên để người giáo viên làm việc trách nhiệm hơn, nhiệt tình hơn. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho giáo viên, làm sao để họ đảm bảo sự ổn định trong đời sống xã hội, nhất là giáo viên mầm non, giúp họ yên tâm công tác. 

Lan Chi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...