Hãy là người tiêu dùng thông thái!

Hãy là người tiêu dùng thông thái!

(GD&TĐ) - Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây khoảng dăm, bảy năm gì đó, những nhà vườn trồng bưởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long khốn khổ vì thông tin do một nguồn tin được dịch từ một tờ tạp chí khoa học nước ngoài: ăn bưởi có nguy cơ ung thư cao. Nguồn tin có trích dẫn cơ sở khoa học hẳn hoi. Thông tin đó mặc dù chỉ được đăng tải ở một chuyên mục nhỏ của một tờ báo đoàn thể. Một chuyên mục được dịch thuật, trích dẫn từ nước ngoài với những giả định và những nghi ngờ ban đầu của các nhà khoa học, chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định. Tuy nhiên khi được dịch thuật và đăng tải trên một tờ báo trong nước ngay lập tức nó đã lan truyền với một tốc độ nhanh chóng.

Hàng chục, hàng trăm, hàng triệu người Việt Nam nhất loạt đã tẩy chay trái bưởi. Khỏi phải nói hậu quả của những thông tin thất thiệt đã gây hậu quả nghiêm trọng đến mức độ nào: hàng trăm ha bưởi đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị nhà vườn đốn hạ, hàng trăm ngàn tấn bưởi sản phẩm không tiêu thụ được.

Hàng chục ngàn nông dân trồng bưởi đặc sản hoang mang, đổ tiền, của, công sức tìm giống cây thay thế. Tuy nhiên, cũng phải chờ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện ra rằng, nguồn tin về khả năng gây ung thư của trái bưởi được các nhà khoa học phát hiện cảnh tỉnh không phải là giống bưởi nói chung mà là giống bưởi rất ít phổ biến chỉ có ở một số vùng trên đất châu Mỹ xa xôi. Giống bưởi gây ung thư chưa từng có mặt ở Việt Nam.

Các nhà khoa học tạm thở phào. Báo chí đã lỡ loan tin về ăn bưởi gây ung thư thì đưa lại tin như một lời đính chính, xin lỗi vì sơ suất. Dư luận tạm dịu xuống nhưng những người trồng bưởi thì khốn khổ vô cùng. Để gây, trồng và chăm sóc được một vườn bưởi, không phải ngày một ngày hai mà cả chục năm trời.

Cuối năm 2010 người nuôi cá kèo ở Cà Mau cũng gặp một phen khốn đốn khi cũng có tin đồn ăn cá kèo sẽ mắc bệnh ung thư. Cơ quan chức năng địa phương đã mau chóng vào cuộc. Khi mọi việc được làm sáng tỏ thì nhiều hộ nuôi cá rô đầu vuông cũng đã khánh kiệt gia sản vì những tin đồn. Giá cá sụt giảm nghiêm trọng từ 40.000 xuống còn 20.000 đồng/kg.

Ngược lại, với những nguồn tin không chính xác, bịa đặt nhằm mục đích xấu, vụ nhãn vừa qua, vùng nhãn đặc sản Hưng Yên, Hải Dương, Hà Bắc, Hà Nam. Nam Định…đã đưa về các chợ đầu mối ở Thủ đô Hà Nội hàng trăm tấn nhãn đặc sản, với giá thời điểm chính vụ chỉ bằng ½ giá đầu vụ (50.000đ/kg đến 60.000đ/kg- 20.000đ/kg đến30.000/kg).

Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng Thủ đô lại đặt ra những nghi ngờ, nhãn nhập từ Trung Quốc, khiến thật giả lẫn lộn. Người tiêu dùng không còn biết tin tưởng vào đâu. Gần đây nhất, tại một số chợ đầu mối ở Đà Nẵng, một số chợ đầu mối hoa quả ở Huế, gặp điều tương tự khi cam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị tẩy chay vì nghi ngờ là hàng Trung Quốc do giá cam đang từ 30.000-35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 1/5 so với trước.

Hiện giá bán sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) thấp nhất chỉ 4.000-5.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ từ 13.000-15.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do các nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long năm nay trúng mùa và hiện đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, mặc cho các thương lái giải thích thì sự thật đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Người tiêu dùng vẫn lúng túng với “thật”, “giả” và chưa biết tin ai.

Trước những thông tin không đúng sự thật, thông tin trái chiều, suy cho cùng cả xã hội (trong đó có người trực tiếp sản xuất, người phân phối sản phẩm và người tiêu dùng) phải gánh chịu những chịu thiệt hại mà nó gây ra. Để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, giảm thiểu những hậu quả về kinh tế, xã hội mà nó gây ra, trước hết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng.

Đặc biệt phải kết hợp xử lý kiên quyết, triệt để hành vi thông tin không đúng sự thật với phổ biến tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm hiểu biết kiến thức của mỗi người dân để trong cuộc sống hàng ngày họ trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

Khánh Ngân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.