Vợ thấy con sợ hãi liền trách chồng vô duyên vô cớ làm con sợ, tiếng qua tiếng lại không dưng cãi nhau, nhà đang bình yên bỗng trở nên căng thẳng.
Chị hàng xóm chán nản kể với tôi như vậy, không chỉ chồng chị mà chị cũng đôi lần như vậy. Nhưng khi cơn buồn bực qua đi, cũng biết là mình hành xử không đúng, cũng rất áy náy và thương nhất là con.
Chị hỏi tôi liệu có cách nào để mình có thể kìm chế những buồn bực của riêng mình mà không để sự ức chế ấy lây lan sang người khác?
Tôi nói với chị, đó hình như là hiện trạng chung của nhiều gia đình, chỉ là nhà ít nhà nhiều, nhà thường xuyên, nhà thi thoảng. Và tất nhiên, nhà tôi cũng không ngoại lệ.
Mỗi lúc gặp sự cố gì trong công việc hay có xung đột xích mích với ai đó, tâm trạng chồng tôi rất tồi tệ. Tôi biết chắc chắn là anh lại vừa gặp chuyện gì đó không vui, và mỗi lần như thế anh lại cho phép mình về nhà cáu bẳn với vợ một cách vô cớ, và tôi lại vô cớ cáu bẳn với con mình.
Tức giận một ai đó đúng là cảm giác cực kì khó chịu, nó bám riết lấy ta khiến tâm ta bực dọc, tính ta nóng nảy, và ta tìm cách trút nó sang người khác nhằm “hạ hỏa”, không dưng biến một người không liên quan gì đến câu chuyện thành nạn nhân theo kiểu không làm gì được con cá thì chém thớt cho bõ tức.
Biết thế là vô lý ầm ầm đấy, sau cơn tức cũng biết là mình sai, nhưng biết thì sự cũng đã rồi. Tôi đoán chắc là lúc mình tức giận mà lỡ nặng lời với ai đó, khi hiểu ra họ cũng sẽ không trách mình đâu, chỉ là có chút buồn, có chút ấm ức, có chút oan khiến người đó cảm thấy nặng nề.
Ở ngoài xã hội thì không nói, nhưng nếu bố hay mẹ mang nỗi bực dọc về nhà thì người chịu hậu quả cuối cùng thường là những đứa con.
Những cô bé cậu bé ngơ ngác rồi khóc òa không hiểu vì sao những trò nghịch ngợm hay những đòi hỏi thường ngày hôm nay lại khiến bố mẹ nổi nóng, không hiểu vì sao một chút nũng nịu cũng trở thành nỗi phiền phức khiến mình bị ăn đòn.
Có rất nhiều chị đánh con xong rồi lại ôm con xin lỗi rối rít “tại mẹ không tốt, mẹ sai rồi”. Có nhiều ông bố sau khi quát con lại ẵm bồng xoa xuýt.
Con sẽ nhanh nguôi ngoai thôi bởi trẻ con dễ giận nhưng ít để tâm hơn người lớn, nhưng không ai dám chắc rằng điều đó tái diễn nhiều lần sẽ không khiến con trẻ sợ hãi và tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý và nghiêm trọng hơn là nhân cách của trẻ.
Có một người mẹ đã tâm sự trên trang cá nhân mình đại ý rằng: “ Ở cơ quan tranh cãi với đồng nghiệp, ức đến sôi máu mà không làm gì được. Về nhà thấy con lèo nhèo thì không chần chừ phát vào mông con một cái.
Tại sao khi chồng đánh không đánh lại, khi đồng nghiệp gây khó dễ thì không phản kháng mà khi con phiền phức một chút thì lại đánh con. Vì điên quá? Vì không kiềm chế được?
Sao ta kiềm chế được với người khác mà lại không kiềm chế được với con mình? Hay vì tại con còn bé không biết cãi, vì con còn bé nên không thể tự bảo vệ mình?”
Rất lâu rồi tôi đã được đọc một câu chuyện, nội dung đại ý thế này: Có một người thợ mộc ngày nào cũng trở về nhà trong trạng thái buồn phiền mệt mỏi vì công việc của anh có nhiều khúc mắc, nhiều đòi hỏi và phật ý của khách hàng.
Suốt cả chặng đường về, tâm tư anh rất mệt mỏi. Khi về đến nhà anh đứng im một lúc trước cửa, dùng tay vuốt vuốt lên cây cảnh ở góc thềm.
Và khi anh mở cửa bước vào nhà, anh như biến thành một người khác, gương mặt anh rạng rỡ nụ cười, anh ôm con và dịu dàng hôn vợ. Rồi mỗi sáng anh lại đứng trước cái cây một lúc rồi vui vẻ ra đi. Người hàng xóm lấy làm lạ trước hành động này của anh nên tò mò hỏi:
- Mỗi khi đi làm về tôi hay thấy anh đứng vuốt cây cảnh trước nhà, điều đó có nghĩa là gì vậy?
-“Ồ, đó là cây phiền muộn của tôi”. Anh vui vẻ đáp. “ Tôi biết mình không sao tránh khỏi những phiền toái trong công việc, cũng chắc chắn là không nên đem những phiền toái ấy để gây khó chịu với vợ con, những người đã đợi tôi suốt một ngày dài. Vì vậy, mỗi buổi chiều về nhà, tôi đem hết muộn phiền, bực dọc của mình gửi lên ngọn cây”.
“Cây phiền muộn” nếu như có thật, hẳn là dù đắt cỡ nào chúng ta cũng sẽ cố mua cho được một cây để có thể giữ cho gia đình luôn yên ấm.
Để chúng ta sẽ không vô cớ trút nỗi buồn bực của ta lên những người thương yêu mỗi khi trở về nhà, để rồi sau đó lại ăn năn hối hận. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một cây phiền muộn cho riêng mình.
Nhiều khi ta cứ nghĩ rằng chỉ cần một câu xin lỗi là sẽ bỏ qua hết cả. Nhưng những lời ta nói khi tức giận giống như việc ta đóng một cái đinh lên tường. Dù đinh có được nhổ ra, thì trên đó vẫn sẽ có những lỗ hổng, rất khó để bức tường trở nên không tỳ vết như lúc đầu.
Liệu có thể không mỗi lúc bước vào nhà, hãy trút mọi mối bận tâm, mọi nỗi lo toan, mọi phiền hà ở ngoài cách cửa? Để nơi mình trở về luôn là nơi khiến mình nhẹ nhõm nhất chứ không phải là nơi trút bỏ mọi ấm ức bực dọc của xã hội ngoài kia.
Để vợ chồng luôn là những người bạn sẻ chia chứ không phải chỗ để ta xả buông bực tức. Để con thơ được vui hát cười đùa, được nũng nịu được yêu thương chứ không phải tủi hờn quệt tay lau nước mắt vì bị mẹ cha trách đòn vô cớ.