Cảnh báo này được TS.BS Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai đưa ra trước tình trạng nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp trầm trọng tại nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở hiện nay.
Cực hình: Nhà vệ sinh ở trường
Những vệt ố vàng bám trên tường, không đủ xà phòng, vòi nước xả, mùi hôi, thối… khiến nhà vệ sinh trong trường học trở thành nỗi ám ảnh lớn của học sinh.
Những vệt ố vàng bám trên tường, không đủ xà phòng, vòi nước xả, mùi hôi, thối… khiến nhà vệ sinh trong trường học trở thành nỗi ám ảnh lớn của học sinh.
Biết rằng nhà vệ sinh (NVS) ở trường rất bẩn nhưng phụ huynh cũng không biết phải làm sao. Chị Phan Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) tâm sự, chiều nào đi đón con, hễ cứ ngồi lên xe là hối thúc mẹ chạy về nhà nhanh vì mắc tiểu. Nhiều khi về đến nhà không kịp cất cặp, cởi giày, con cứ thế lao thẳng vào nhà vệ sinh để đi tiểu.
“Nhà vệ sinh ở trường con mùi rất khai và thối. Trước khi đi vệ sinh phải hít một hơi dài rồi nín thở để đi tiểu tiện sao cho thật nhanh. Còn nếu lỡ buồn đại tiện thì cố “nót ị” đợi mẹ đón về nhà”.
Bức xúc về tình trạng này, “nhiều lần đi họp phụ huynh chúng tôi đều đã phản ánh lên nhà trường. Các khoản đóng góp đầu năm đều có mục tiền vệ sinh nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi lại như cũ”, chị Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng không ít phụ huynh lại chấp nhận bằng cách, dạy con đối phó với nhà vệ sinh bẩn. Chị Huyền Trang (Phú Thọ) có con gái học THCS cho biết, nhà vệ sinh không có mái che, không có đường ống nước xả, chỉ là những ô gạch chừng 1 mét vuông xây quây lại, thậm chí không có cửa chắn. Nhà vệ sinh nam – nữ sát nhau, nên con gái tôi rất ngại đi vệ sinh ở trường vì sợ bị các bạn nam nghịch ngợm nhảy lên tường trêu, nhìn trộm.
“Tôi cũng trang bị sẵn khẩu trang thật dày cho con đeo nếu có đi vệ sinh ở trường. Còn không thì đành chấp nhận khuyến khích con đi vệ sinh trước và sau khi đến lớp”, chị Trang nói.
Có khi đầu tư cả trăm triệu đồng để xây dựng nhưng chỉ sử dụng được 1, 2 năm thì nhà vệ sinh gần như xuống cấp, học sinh không dám sử dụng.
20 loại bệnh đang rình rập học sinh
Câu chuyện học sinh “nhịn” tiểu, “nót ị” là trước mắt, nhưng tác hại của việc đó về lâu dài sẽ vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe.
Trao đổi với PV Dân trí, TS. BS Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.
TS.BS Trương Anh Thư đưa ra một khảo sát vào năm 2012 tại Mỹ cho thấy, việc tránh sử dụng nhà vệ sinh trong trường học có thể dẫn đến chứng táo bón - một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở trẻ em. Nếu bị táo bón lâu ngày có thể gây bệnh trĩ, rách hậu môn và liên quan đến các vấn đề đại tiểu tiện không tự chủ ở trẻ (đái dầm, ị đùn…).
TS. BS Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày học, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra, bệ ngồi của nhà vệ sinh bẩn làm các học sinh nữ phải cúi mình thay vì ngồi khi đi tiểu tiện làm cho nước tiểu không được thải hết ra ngoài sau mỗi lần tiểu tiện, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu.
BS Thư cho biết thêm, thực tế, 25% vấn đề sức khỏe ở học sinh, có liên quan tới việc không sử dụng nhà vệ sinh khi cần. Ngoài ra, việc thiếu phương tiện rửa tay (nước sạch, xà phòng, khăn lau tay) làm tăng nguy cơ ô nhiễm bàn tay của các em, có thể là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm.
Ngoài những tác hại về sức khỏe, thì điều này sẽ tác động vào tâm lí của học sinh. Nhà vệ sinh không sạch sẽ, thiếu riêng tư, không đóng được kín cửa tạo tâm lý e ngại. Học sinh khi phải trải qua khó chịu về thể chất cũng sẽ bị phân tâm trong bài học và khả năng tập trung, hứng thú đến trường cũng có thể bị giảm sút. Tác động tâm lý lâu dài làm cho các em sợ đi vệ sinh, coi như cực hình, ám ảnh khi ở trường, BS Thư lo ngại.
BS Thư khẳng định, vi khuẩn có ở mọi nơi, đặc biệt là ở nhà vệ sinh bẩn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm mà đối tượng bị ảnh hưởng chính là trẻ ở cấp tiểu học và trung học vốn có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.
“Những bệnh truyền nhiễm các em có thể bị nhiễm như: bệnh tay chân miệng; tả; tiêu chảy; viêm đường ruột; sỏi thận; viêm gan A… nhà vệ sih trường học bẩn cũng là nơi dễ làm cho các em nhiễm giun sán dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Các vi sinh vật gây bệnh từ nhà vệ sinh có thể theo trẻ về nhà lây cho gia đình, theo người chế biến thức ăn đến bữa ăn của học sinh”.
Lời khuyên của BS Trương Anh Thư với phụ huynh và học sinh để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh khi ở trường bằng cách rửa tay để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Học sinh cần được hướng dẫn rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn.
Đồng thời, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn một số nguyên tắc vệ sinh hô hấp như cho con mang khẩu trang giấy dùng một lần khi có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp. Dạy con cách tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ khi đi vệ sinh và khuyến khích con tích cực tham gia dọn dẹp, giữ vệ sinh trường lớp là cách tốt nhất để khắc phục tình trạng như hiện nay.
Ngoài ra, tiêm phòng vắc-xin là phương thức phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hiệu quả, giúp các em có sức đề kháng tốt hơn, chống chọi được nhiều bệnh tật nguy hiểm. Để đảm bảo sức khỏe trong độ tuổi tiểu học, cha mẹ không bao giờ được quên lịch tiêm phòng.
Gia đình và nhà trường cần luôn đảm bảo duy trì cung cấp nước sạch, làm vệ sinh hàng ngày bề mặt của các buồng phòng, đồ dùng/vật dụng tại nơi sinh hoạt, học tập và vui chơi của học sinh.