Không phải đứa trẻ nào cũng được bố mẹ cho một khoản tiền tiêu vặt. Kể cả ở lứa tuổi đến trường, trẻ đã hình thành nhận thức nhất định thì việc cho con tiền để con tự tiêu dường như là điều không được các phụ huynh ủng hộ.
Một phát hiện từ các nghiên cứu là việc cung cấp tiền tiêu vặt thường xuyên sẽ làm suy yếu tinh thần tự giác và làm việc của con trẻ không? Và có thực sự cần thiết cho con mình một khoản tiền nhỏ mỗi ngày?
Câu trả lời là có. Theo Ron Lieber thuộc Thời báo New York và là tác giả của cuốn Đối diện hư hỏng: Nuôi dạy những đứa trẻ có căn cứ, hào phóng và thông minh về tiền bạc gợi ý rằng, một khoản tiền tiêu vặt hàng ngày đối với trẻ nhỏ có thể là cơ sở để hình thành tính cách và dạy chúng biết xử lý tài chính trong tương lai.
Dưới đây là 3 lời khuyên mà Lieber đưa ra để giúp tiền tiêu vặt trở thành công cụ hợp lý cho trẻ:
Công việc là trách nhiệm và nghĩa vụ, không phải cuộc thi để treo giải thưởng
Ở nhiều thời kì, trẻ rất thích và hăng hái làm việc nhà, những việc trong khả năng và có khi là nằm ngoài khả năng của chúng. Con trẻ hành động theo bản năng tự nhiên vừa để thỏa mãn sự tò mò, thích thú cũng như giúp nâng cao sự đồng cảm, làm việc cùng với các thành viên trong gia đình.
"Người lớn không được trả tiền để làm những việc nhà và trẻ em lại càng không nên. Đó chỉ là trách nhiệm chúng ta cần làm để hỗ trợ nhau, vun vén tổ ấm. Nếu bạn nghĩ đó là sự rèn luyện và con phải được trả công xứng đáng thì đến khi trưởng thành, con đi làm rất khó thích nghi với môi trường, sinh ra bản tính tự phụ, làm gì cũng phải có điều kiện.
Và nếu bạn muốn dạy con chăm chỉ, hãy đưa ra hình phạt nếu con không chịu làm chứ không phải treo thưởng", Lieber nhận định.
Thực hành với tiền đúng cách dạy trẻ rất nhiều thứ
Tuy nhiên, không "trả công" cho các việc vặt trong nhà không có nghĩa là bạn cứng nhắc trong việc cho tiền trẻ. Tốt nhất là cung cấp một khoản tiền nhỏ theo nghĩa "phân phối đều đặn" không bị ràng buộc với bất kỳ loại công việc hay nhiệm vụ nào. Đó đơn giản là tiền chúng nhận được từ bố mẹ mà trẻ có thể sử dụng theo cách chúng thích.
Lieber cung cấp hướng dẫn về cách làm cho "trải nghiệm" này có ý nghĩa.
Tiền là một công cụ giảng dạy và khoản trợ cấp là để thực hành. Một trong những lý do quan trọng nhất để trẻ có tiền tiêu vặt là để chúng cảm nhận được sự hối tiếc khi đã chót chi tiêu cho những điều bất hợp lý. Tạo lập cho trẻ khả năng tính toán, biết để dành cho những mục đích sử dụng lớn hơn.
Tóm lại cứ để trẻ sai lầm vài lần chúng sẽ biết quý trọng cơ hội và những gì bố mẹ làm ra. Sau tất cả, bố mẹ chỉ dùng công cụ tiền để dạy con trưởng thành hơn và xử lý tiền một cách khôn ngoan hơn. Đó là yếu tố quan trọng của hành trang vào đời sau này.
Lòng biết ơn là sức mạnh
Mặc dù trợ cấp thường xuyên sẽ cung cấp cho trẻ em cơ hội học hỏi nhiều bài học về quản lý tiền nhưng nó cũng có thể kích thích suy nghĩ về thú vui phi vật chất và giá trị rộng lớn hơn.
Hãy giúp cho trẻ hiểu, có những điều tốt đẹp sẽ giá trị hơn rất nhiều thứ được quy ra tiền.
Ví dụ bạn có thể để con biết, cuộc sống này rất phong phú. Tiền không chỉ tiêu vào những việc hiện hữu, cho bản thân mình mà đôi khi cần cho xã hội, cho những giá trị tinh thần như giúp đỡ người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Không có quy tắc nào cụ thể nhưng lòng biết ơn chính là sức mạnh. Gần trước mắt là để con biết ơn bố mẹ đã yêu thương, chiều chuộng, rộng hơn chút là biết ơn cuộc đời này đã cho con được trọn vẹn, được may mắn hơn những số phận, hoàn cảnh cơ cực khác.
Kết luận
Dạy trẻ làm việc vặt mà không cần thưởng tiền hay vật chất cho trẻ học, thực hành các kỹ năng tiền bạc là cách tiếp cận cân bằng. Nó có tác dụng phát triển tích cực các kỹ năng xã hội và cá nhân của 1 đứa trẻ.