Hãy cho các em cơ hội giãi bày

GD&TĐ - Khi nghe đồng nghiệp phê phán một học sinh nào đó dù chỉ là hành vi sai sót nhất thời, một số thầy cô đã tin chắc là đúng 100%. Khi gặp em này, tất nhiên thiện cảm sẽ không nhiều. Nếu em lại có khuyết điểm, nhận định của thầy cô càng được củng cố. Khi gặp gỡ, mọi việc đều theo hướng suy nghĩ em sai lầm, cần khắc phục; không có chỗ cho sự lắng nghe, trình bày.

Tư vấn cho học sinh tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế
Tư vấn cho học sinh tại Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế

1.

Vốn dang dở về đường tình duyên nên bao nhiêu tình cảm cô Y dành hết cho con. Cô sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu miễn sao trong mọi việc con phải theo ý cô. Do mặc cảm là người ly dị chồng nên cô luôn khó khăn trong việc chọn bạn cho con. T.H là một học sinh có sức học khá, những năm đầu cấp, hạnh kiểm luôn được xếp loại tốt. Nhưng từ khi cha mẹ chia tay, em bắt đầu có thay đổi. T.H thưa dần các buổi tâm tình cùng mẹ. Một đôi lần có đồng nghiệp báo cho cô Y biết T.H có một vài bạn bè ngoài nhà trường tư cách đáng ngờ lắm. Cô Y bực bội la mắng T.H hết lời. Chưa dừng lại ở đó, các cô giáo trong trường truyền tai nhau về tính tình của T.H rồi đi đến kết luận “T.H khó dạy lắm, sẽ làm cho thầy cô và nhà trường tổn hại thanh danh!”.

Từ đó, cứ gặp T.H là đồng nghiệp của cô Y tranh thủ lên lớp, giáo dục tư tưởng tình cảm cho em ngay. Trong tiết học, một sơ suất nhỏ của em cũng bị nhắc nhở. Với độ tuổi mới lớn, T.H rất xinh xắn; em cũng như nhiều bạn gái khác cũng bắt chước làm tóc, buộc nơ, thậm chí kẻ chút son lên môi cho tươi tắn. Thế mà với học sinh khác thì các cô cho qua nhưng với T.H thì có vô số nhận định: nào là vi phạm nội quy vì dám tô son khi lên lớp, nào là thể hiện tính đua đòi, ăn chơi, không xứng đáng là học sinh… Những nhận định như thế xuất hiện bất cứ lúc nào trong lớp và không “kén chọn” người nghe bao gồm cả các bạn trai cùng lớp với T.H.

Có lần, phát hiện thấy T.H dự học tăng tiết mà áo sơ mi bị hở một cúc, thay vì kín đáo nhắc nhở giúp em chỉnh lại trang phục, cô giáo đã dành trọn mười phút để phê bình, nhắc nhở em về “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ. T.H chỉ biết cúi mặt làm thinh. Chẳng những vậy, mọi hành vi, cử chỉ của T.H đều được thông báo cho các thầy cô qua “hộp thư miệng”. Kết quả là nhiều thầy cô đều chung nhận định “T.H là học sinh cá biệt của trường”. Đến lượt cô Y, chính cô cũng ngại vì phải nghe quá nhiều lời đóng góp “cho cháu nên người” của đồng nghiệp. Đến nỗi vào những tiết trống giữa buổi, cô không dám vào phòng giáo viên.

Khổ nỗi, do áp lực như thế, cô Y ngày càng khắt khe với con. Mối quan hệ mẹ con có chiều rạn nứt. Cứ hễ nghe một lời “đóng góp” về con là ngày hôm đó cô sôi sục cả lên. Ban đầu cô còn có lời cảm ơn đồng nghiệp vì đã có công giúp cô nhưng về sau cô bực bội vì có quá nhiều điều nhỏ nhặt hay những điều lặp đi lặp lại, như hàm ý phê bình cô không biết dạy con! Rồi đến một ngày, tan trường, T.H không về nhà. Cô Y đợi mãi đâm lo. Bạn cùng lớp cho biết, em nhắn lại sẽ đi luôn vì không chịu nổi sự bó buộc của mẹ và dò xét của thầy cô; tất cả không ai chịu nghe em tâm tình, chia sẻ mà chỉ kết tội em. Bấy giờ cô Y mới giật mình. Lâu nay cô chỉ ra lệnh mà không cho con có cơ hội giãi bày. Đồng nghiệp thì can thiệp quá sâu vào chuyện nhà cô. Một số chỉ nghe lời kể lại đã có thành kiến với T.H, nhận xét không đúng về em, vô tình đẩy em ra khỏi gia đình và nhà trường

2.

Nhờ dạy một số tiết ở lớp và được nghe T.H thổ lộ suy nghĩ về chuyện nhà, tôi biết đây là phản kháng nhất thời của em. Em không thể bỏ đi luôn như vậy. Vấn đề là ở cô Y. Tôi bàn với cô rằng, cần thông qua những người bạn thân thiết nhất của T.H để gởi lời nhắn đến T.H là em hãy trở về; những việc đã qua làm em bức xúc là do mẹ con chưa hiểu nhau và có thể thay đổi được; mẹ tha lỗi cho việc con bỏ nhà đi và mong con trở về. Thầy cô cũng vậy, thiếu sót là ở chỗ chỉ nghe thông tin một chiều mà thôi. May mắn là nhận được tin của mẹ, T.H đã quay về.

Sau một thời gian dài không lắng nghe con, cô Y nhận ra những sai sót trong cách giáo dục con của mình. Vì lo sợ đủ thứ, sợ mang tiếng dạy con không thành công, sợ đồng nghiệp chê cười, gia đình chồng cũ chê trách…, cô đã o ép con quá mức, can thiệp thô bạo vào đời sống tình cảm của con. Bên cạnh đó, đồng nghiệp đã làm cô tự ái khi phê bình cháu quá nhiều nên cô sai lại càng sai. T.H nói rằng có rất ít thầy cô lắng nghe, hay cho em có cơ hội được nói lên suy nghĩ của bản thân. Chỉ một cô phê bình ở tiết trước là các cô dạy tiết sau đó có cùng một nhận xét. Em càng kiếm cơ hội trình bày thì càng mang tiếng là chối tội, là không thành thật. Em không hiểu vì sao có một cách thương yêu học sinh lạ kì như vậy. Và luôn tự hỏi có phải đó là thương yêu học sinh không?

Khi thấy đồng nghiệp thể hiện sự quan tâm giáo dục học sinh, nhiều thầy cô “xắn tay” tham gia nhưng đều xoay quanh một khuyết điểm, thậm chí chỉ là một hành vi, nhận thức chưa chuẩn của em, kiểu góp ý quá nhiều đã gây phản tác dụng khi GD các em. Lẽ ra nên cổ vũ cho sự hướng thiện, hành động tích cực trong học tập, sinh hoạt thì thầy cô nặng về lên án, áp đặt thậm chí hù dọa học sinh nên các em đôi khi làm ngược lại.

Giáo dục học sinh là việc chung của nhà trường, nhưng thầy cô cũng cần tỉnh táo xem cần đóng góp ở mức độ nào và phương pháp ra sao mới mong có kết quả tốt. Việc cả một hội đồng cùng giáo dục một học sinh theo kiểu áp đặt như trường hợp em TH đã nói ở trên, để rồi kết quả không như ý là một kinh nghiệm đáng lưu tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.