Hãy biết xấu hổ!

GD&TĐ - Khi tập 4 của chương trình “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” với chủ đề “Tôi thanh lịch - Tôi hội nhập” phát sóng cũng là lúc dư luận tranh cãi về những ứng xử được cho là kém lịch sự của… vị khách mời ngoại quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự thể là, ở thử thách thứ 2 của chương trình, 16/60 thí sinh xuất sắc nhất giành cơ hội tham dự buổi tiệc cùng Á hậu Hoàng Thùy và vị khách mời ngoại quốc, ứng xử trực tiếp với những tình huống do ban tổ chức đặt ra. Hai thí sinh Phạm Thị Anh Thư (SBD 144) và Đặng Trương Thủy Tiên (SBD 222) là nhóm đầu tiên tham dự buổi tiệc.

Tại buổi tiệc, Anh Thư chỉ nói được 3 câu tiếng Anh. Sau đó, cô “mạnh dạn” đề nghị vị khách nước ngoài nói bằng tiếng Việt. Tiếc thay, lời đề nghị này không được chấp thuận. Cô đành quay sang nhờ Thủy Tiên phiên dịch giúp. Có lẽ vì thế mà vị khách kia đã không nói chuyện với Anh Thư, quay sang nói chuyện với Thủy Tiên. Rồi vị khách đã nói về Anh Thư: “Xin lỗi, nhưng em giống như người tàng hình ở đây vậy. Tại sao em ở đây? Lý do em tham gia cuộc thi này là gì?”. Anh Thư đã bật khóc khi nghe Thủy Tiên dịch lại!

Tình huống này của Anh Thư đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người để sau đó họ bày tỏ thái độ bức xúc. Nhiều người nhận xét cách nói, thậm chí soi thêm cách cười, cách ngồi rồi lan sang cả cách “bỏ đi” khi trò chuyện với thí sinh Thúy Vân… của vị khách ngoại quốc là… thiếu lịch sự đối với phụ nữ Việt. Làn sóng chê bai này càng mạnh mẽ hơn khi Anh Thư chia sẻ lý do kém tiếng Anh của cô là vì thuở nhỏ gia đình khó khăn, bố mẹ ly dị sau đó cô sống với bố “nhưng không có tình thương hai bên nên việc học cũng bị lơ đãng...”. Người thương cảm thì biện minh rằng, đây là thi ở Việt Nam nên có thể nói tiếng Việt, không bắt buộc chỉ nói tiếng Anh!

Có thể thấy, công chúng luôn góp vai trò quan trọng trong phản biện xã hội. Nhiều phản biện của dư luận là đúng và có giá trị tích cực. Nhưng những phản biện ở câu chuyện này xem ra chưa chính xác. Không ít ý kiến đang cố tìm cách để ngụy biện cho lỗ hổng về ngoại ngữ của người Việt. Lỗ hổng ấy, giữa thế giới phẳng hiện nay, Anh Thư chỉ là một ví dụ nhỏ.

Nếu cứ ru ngủ mình bằng những nguỵ biện không xác tín, có thể sẽ còn rất nhiều Anh Thư khác phải bật khóc. Đừng nguỵ biện để ru ngủ những người Việt có khát vọng, hoài bão lớn thiếu hụt ngoại ngữ phải bật khóc. Đừng bật khóc hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, trách cứ người khác. Hãy dũng cảm nói lời cảm ơn, biết xấu hổ để vượt lên hoàn cảnh. Hãy chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ, sẽ không còn phải bật khóc khi ra biển lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.