Học sinh vùng cao tặng cá suối, hoa dại cho giáo viên ngày 20/11

GD&TĐ - Ở những thành phố lớn, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tràn ngập hoa và quà giành tặng cho giáo viên. Nhưng ở huyện vùng cao Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) chỉ là những nhành hoa dại hay vài con cá học sinh bắt ở suối mang đến.

Các em học sinh đi hái hoa dại tặng thầy cô.
Các em học sinh đi hái hoa dại tặng thầy cô.

Năm học 2019-2020, huyện Tu Mơ Rông có 34 trường, trong đó 11 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 12 trường THCS với khoảng gần 7.700 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Huyện Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo của tỉnh Kon Tum.

Do đó, điều kiện kinh tế, đường sá và cơ sở vật chất ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện vẫn còn 10 phòng tạm; hơn 100 công trình vệ sinh tạm và có 41 trường, điểm trường không có nước sinh hoạt phải dùng nhờ của dân làng.

Không chỉ trường học, các em học sinh đa số cũng là đồng bào dân tộc thiểu số, bố mẹ quanh năm làm nương rẫy. Do đó, việc lo cho các em ăn uống, chi phí học hành đã rất cơ cực.

Mặc dù thiếu thốn, nhưng dịp lễ 20/11 năm nay cũng như mọi năm các em vẫn giành những món quà “cây nhà lá vườn” để tặng cho giáo viên để thể hiện sự kính trọng, quý mến và biết ơn.

Các em học sinh ở Tu Mơ Rông ngại ngùng khi tặng những bó hoa dại cho giáo viên nhân ngày 20/11.
 Các em học sinh ở Tu Mơ Rông ngại ngùng khi tặng những bó hoa dại cho giáo viên nhân ngày 20/11. 

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, các em học sinh trường THCS Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) đến lớp sớm hơn mọi ngày. Bởi trên đường đi các em tranh thủ hái hoa rừng, hoa dại... kết thành bó tặng những thầy cô giáo. Một số em nữ khéo tay còn dùng giấy để xếp hoa tặng giáo viên của mình. 

Cô Đặng Thị Tuyết Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, trường THCS Đăk Rơ Ông xúc động kể, mặc dù đã công tác hơn 10 năm tại trường tuy nhiên 20/11 năm nay cô vô cùng bất ngờ khi nhận được món quà của các em học sinh, đó là rau, củ quả, cá bống suối...

Túi cá suối học sinh vùng cao tặng cho giáo viên chủ nhiệm của mình.

Túi cá suối học sinh vùng cao tặng cho giáo viên chủ nhiệm của mình.

“Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, mình vô cùng bất ngờ bởi món quà của các em nào là hoa dại, lá rừng, rau còn có cả cá suối. Mình ấn tượng nhất là cá bống suối của em A Chan.

Sau khi kết thúc buổi văn nghệ chào mừng 20/11, A Chan chạy vội đến rồi dúi vào tay mình một túi bóng rồi nói ngắn gọn “Em cho cô nè”, sau đó bỏ chạy.

Khi về đến phòng mình mở ra thì thấy một túi cá bống suối. Lúc đó mình bất ngờ lắm, suốt 10 năm giảng dạy có lẽ đây là món quà đặc biệt nhất và khiến mình xúc động nên không nỡ ăn, bỏ vào tủ lạnh.”, cô Thanh nghẹn ngào nói.

Thầy Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng trường THCS Đăk Rơ cho hay, mặc dù hoàn cảnh gia đình của các em học sinh nơi đây vô cùng khó khăn nhưng phụ huynh và học sinh sống rất tình cảm.

Thầy Thùy nhớ lại, vào dịp 20/11 hai năm trước, khoảng 5 giờ sáng khi thầy đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy vì nghe tiếng bước chân trước của phòng.

Lúc này thầy mở cửa ra thì không thấy ai chỉ thấy có 3 quả bí xanh và 2 bó rau trước cửa. Đến trưa, một phụ huynh gọi điện cho thầy xin lỗi vì không đưa tận tay thầy vì sợ làm mất giấc ngủ của thầy.

“Tôi nghe xong xúc động vô cùng. Người dân ở đây tuy nghèo nhưng thật thà, tình cảm lắm. Họ muốn tặng những thứ ngon nhất mà nhà trồng được cho thầy cô. Chỉ cần những tình cảm như vậy là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”, thầy Thùy xúc động nói.

Còn cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Tu Mơ Rông rạng rỡ khoe, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nào cũng được học trò tặng hoa rừng, của quả và rau...

"Nhiều lần nhà trường nhắn các em và phụ huynh học không cần tặng quà ngày này mà chỉ cần các em chăm chỉ học tập, ngoan hiền. Đó là món quà ý nghĩa nhất của giáo viên miền núi. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ 20/11 các em lại chạy đến dúi vào tay thầy cô hoa dại, rau...", cô Vân tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.