Hậu quả khó lường nếu chọn ngành, nghề không nghiêm túc

GD&TĐ - Chọn nghề cũng cần dựa trên yếu tố truyền thống gia đình, đặc điểm địa phương, xác định nơi làm việc sau khi tốt nghiệp.

Xu hướng chọn ngành nghề của giới trẻ đã bám sát thị trường lao động.
Xu hướng chọn ngành nghề của giới trẻ đã bám sát thị trường lao động.

Nhận diện xu hướng chọn ngành nghề của giới trẻ

“Khi còn là học sinh lớp 11, các em dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Lên lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp. Mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng đều đem đến kết quả tốt nhất” - LS Trịnh Hữu Chung trao đổi.

Đó là tư vấn của ThS, LS Trịnh Hữu Chung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) với học sinh. LS Trịnh Hữu Chung nhìn nhận, hiện nay xu hướng chọn ngành nghề của giới trẻ đã bám sát thị trường lao động.

Ngoài các ngành nghề truyền thống như: công nghệ thông tin, luật, các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế... nhiều học sinh đã để ý và chọn ngành theo xu thế. Ví dụ: ẩm thực, nghỉ dưỡng, về Internet, thương mại điện tử và bất động sản…

Học sinh bây giờ rất thông minh khi đã tính đến 3-4 năm sau, thị trường sẽ có xu hướng ngành nghề gì? Khi đó, các em sẽ suy nghĩ và đặt bút để chọn ngành nghề cho mình.

Thời gian gần đây, nhiều ngành nghề được quan tâm nhiều hơn như: Truyền thông đa phương tiện, các ngành về quan hệ công chúng hoặc một số ngành khác dự kiến “hot” trong tương lai.

Tại Trường ĐH Gia Định, hiện có 45 ngành và chuyên ngành đào tạo, bao gồm các khối về công nghệ thông tin, khoa học ngôn ngữ, kinh tế quản trị và truyền thông số.

Tham gia vào quản lý cơ sở giáo dục đại học, LS Trịnh Hữu Chung nhận thấy, nhiều sinh viên đi theo những tấm gương được gọi là thành công, thành đạt để học. Tuy nhiên, có nhiều em rất thông minh chỉ chọn đọc và tìm những tấm gương, thất bại của những nhân vật đi trước. Từ đó các em rút ra bài học cho bản thân.

LS Trịnh Hữu Chung chia sẻ, ở Trường ĐH Gia Định, có rất nhiều sinh viên giỏi, có em từng đoạt giải nhì của cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên. Đến trường, các bạn được thầy cô giới thiệu, tư vấn cho cách thức để lập nghiệp.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022.

Chọn ngành, chọn nghề là việc quan trọng

TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc không hướng nghiệp từ sớm, không nghiêm túc trong chọn ngành nghề tạo nên những hậu quả không thể lường trước.

Trước hết sẽ lãng phí thời gian và công sức. Tiêu tốn tiền bạc để học một ngành nghề không phù hợp, không có hứng thú. Bỏ ra quá nhiều mà lại không nhận được gì theo ý muốn, thậm chí có thể phải bỏ và học lại từ đầu.

Ngoài ra, chọn sai ngành nghề có thể sẽ tạo tâm lý chán nản khi học và làm nghề không phù hợp. Khi không yêu thích, không đam mê, các em sẽ không đủ động lực làm ngành nghề đã chọn và cũng không hiểu được ý nghĩa, giá trị lao động của nghề nên dễ sinh chán nản, bỏ việc.

TS Bình khẳng định, chọn ngành, chọn nghề là việc quan trọng với mỗi người, bởi nó gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên và chưa ý thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp.

Khi chọn đúng, bản thân được thể hiện năng lực, phát huy khả năng, tố chất. Chọn đúng nghề giúp các em trở nên có giá trị, đóng góp công sức cho xã hội, cộng đồng. Nhưng nếu chọn sai nghề sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám.

Bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT - khuyến nghị, thí sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân… Trước khi đăng ký xét tuyển, cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình theo đuổi; đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người khác để có hướng đi riêng cho mình.

TS Bình viện dẫn, một số liệu điều tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài; trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ