Hậu quả khi Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân?

GD&TĐ - Theo Tiến sĩ Victor Teo, việc Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể 'kích hoạt sự phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn' ở Châu Á.

Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 của Hàn Quốc.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 của Hàn Quốc.

Bình luận được 38 North dẫn lời nhà khoa học chính trị Tiến sĩ Victor Teo, chuyên gia về quan hệ quốc tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi nói về việc Hàn Quốc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin tuyên bố rằng Mỹ và Hàn Quốc đang tăng cường nỗ lực lập kế hoạch chiến lược và hạt nhân và rằng Washington hứa sẽ hỗ trợ Seoul về năng lực hạt nhân.

"Như các bạn đã biết, tuần tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử. Có vẻ hợp lý khi cho rằng người chiến thắng, ông Trump hoặc bà Harris, sẽ tự đưa ra quyết định của mình và bộ trưởng Austin đã nhận thức được điều đó khi ông phát biểu", Victor Teo nói và coi triển vọng Hàn Quốc khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình là điều rất khó có thể xảy ra.

Ông lưu ý rằng: "Tôi không thấy Mỹ thực sự giúp đỡ Hàn Quốc về mặt này và họ cũng sẽ không ủng hộ về mặt lời nói, đặc biệt là nếu điều đó nhằm chống lại các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên - xét cho cùng, nếu Hàn Quốc được chấp thuận hoặc hỗ trợ thì các đồng minh khác của Mỹ có thể bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ tương tự.

Mỹ có thể mở rộng cái gọi là 'chiếc ô hạt nhân' và có thể có sự gia tăng trong các chuyến thăm cảng và những thứ tương tự. Mục đích là để xoa dịu một đồng minh dường như đang phản ứng thái quá".

Tiến sĩ Victor Teo cảnh báo rằng nếu Seoul theo đuổi việc tạo ra kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, điều này có thể tạo ra tiền lệ mà các quốc gia khác - chẳng hạn như Nhật Bản, một đồng minh thân cận khác của Mỹ ở Đông Á, và có thể gây ra nhiều sự phổ biến vũ khí hạt nhân hơn trong khu vực nếu cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun mới đây tuyên bố rằng, trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, cần phải cân nhắc tất cả các phương án khả thi.

Tổng thống Yun Seok-yeol cũng cho rằng nếu tình hình tiếp tục leo thang, thì cần phải sở hữu "vũ khí ngày tận thế" của nước ngoài hoặc tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Tờ New York Times cho biết, có đến 72% người dân Hàn Quốc ủng hộ việc gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân. Năm 2018, con số này chỉ là 48%.

Vào tháng 8, các tổ chức phi chính phủ về an ninh và chính sách đối ngoại trong nước đã thu thập được 10 triệu chữ ký để khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân là do người dân Hàn Quốc mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Ngoài ra, họ còn lo sợ trước khả năng ông Donald Trump, người theo chủ nghĩa biệt lập, lên nắm quyền ở Mỹ, cũng như việc Moscow và Bình Nhưỡng tăng cường quan hệ song phương.

Nhà nghiên cứu cao cấp Cheong Seoung-chang từ Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Sejong, nói: "Chúng ta không thể yêu cầu tổng thống Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước đồng minh trước nguy cơ hy sinh chính người dân của mình. Chúng ta phải tự bảo vệ mình".

Tình huống tương tự đã xảy ra vào những năm 1970. Khi đó, người dân Hàn Quốc đã lo lắng về việc Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Nhưng, vào năm 1975, dưới áp lực của Washington, Seoul buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, Hàn Quốc được cho là vẫn tiếp tục phát triển chương trình này một cách bí mật, theo cuốn sách "9 cường quốc hạt nhân? Đánh giá về mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới" do Trung tâm PIR xuất bản năm 2023.

Trong những năm 1980 và 1990, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt thí nghiệm làm giàu uranium và sản xuất plutonium. Dù Hàn Quốc chưa có công nghệ hoàn chỉnh, nhưng họ có sẵn phương tiện vận chuyển tên lửa đạn đạo - yếu tố cần cho tham vọng của nước này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ