Hậu Giang quan tâm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Công tác chăm lo cho đồng bào DTTS nhất là các trường hợp gặp khó khăn luôn được các cấp chính quyền tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện.

Ổn định đời sống

Đồng bào DTTS tại Hậu Giang có khoảng 31 nghìn người, chiếm tỷ lệ 4,32% so với dân số toàn tỉnh. Số hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 là 1.305 hộ, chiếm tỷ lệ 10,09% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 16,01% so với hộ nghèo DTTS.

Dù tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh còn khá cao nhưng Hậu Giang đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới,.. để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS ngày càng đổi mới, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn.

Nhiều người nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình Mục tiêu quốc gia, đã có căn nhà khang trang, đời sống ổn định hơn nhờ thế họ vững tin vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Năm 2022, gia đình ông Thạch Luận, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố thay cho căn nhà dột nát trước đây.

Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, ông Luận chia sẻ: “Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã góp thêm gần 20 triệu đồng để xây căn nhà mới nên bây giờ không còn chịu cảnh nhà dột cột xiêu như trước nữa. Có nhà mới rồi, gia đình tôi yên tâm, tập trung làm ăn để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn”.

Cũng được hưởng chính sách của Nhà nước, nay gia đình ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên khấm khá. Theo ông Phol, khoảng năm 2017, do thiếu vốn nên mọi suy tính phát triển kinh tế gia đình gặp nhiều trở ngại. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện cho ông vay 50 triệu đồng để nuôi gà, mua bán nhỏ. Nhờ chịu khó, cộng với áp dụng kỹ thuật bài bản trong chăn nuôi, 3 năm sau, ông xây được nhà kiên cố trị giá hơn 200 triệu đồng.

Hiện gia đình ông sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhu cầu đi lại và giải trí, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ông Phol chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên gia đình tôi mới có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế như thế.”

Mô hình sinh kế giúp nhiều đồng bào thoát nghèo ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.
Mô hình sinh kế giúp nhiều đồng bào thoát nghèo ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo

Không chỉ ở Châu Thành A, tại huyện Long Mỹ nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, các chính sách dân tộc luôn được quan tâm thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ Khmer nghèo, cận nghèo. Theo đó, mỗi lần sẽ có khoảng 10 hộ nghèo cận nghèo được hỗ trợ vay vốn với số tiền 10 triệu đồng không tính lãi suất, thời gian hoàn vốn trong 24 tháng. Để các hộ có thể tìm sinh kế làm ăn buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Trước đó, Mặt trận huyện còn thực hiện các mô hình như: “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo” ở xã Vĩnh Viễn A; “Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên nghèo, cận nghèo”; “Giảm nghèo 2 trong 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số” ở xã Lương Nghĩa…

Trong khoảng 2 năm, Mặt trận huyện Long Mỹ phối hợp thực hiện 11 mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, qua đó giúp vốn cho 164 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 1 tỉ đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện và các xã, thị trấn.

Theo ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, trong năm 2023, Ban sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,… Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vùng dân tộc; có chính sách quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân sĩ, trí thức dân tộc, sinh viên dân tộc, nhất là sinh viên hệ cử tuyển để tạo nguồn cán bộ dân tộc vùng DTTS.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị, các địa phương triển khai các Dự án, tiểu Dự án của các Chương trình MTQG đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương, nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện có các chương trình dự án được đầu tư.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện 5 dự án: Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững; Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện của chương trình là trên 68,75 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 53,57 tỉ đồng, ngân sách địa phương gần 7,6 tỉ đồng, còn lại là vốn huy động hợp pháp khác và vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ