Hậu Giang: Chủ động ôn tập giai đoạn “nước rút”

GD&TĐ - Ôn tập hiệu quả, phương pháp làm bài thi nhanh, chính xác, được các trường rèn luyện cho học sinh khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cận kề.

Hậu Giang: Chủ động ôn tập giai đoạn “nước rút”

Học sinh Trường THPT Phú Hữu rèn kỹ năng làm bài thi môn toán.

Rèn kỹ năng làm bài

Đang chú tâm ôn tập cùng các bạn môn toán, em Vương Mai Hoàng Duy, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trong các môn thi, em thấy lo nhất là môn toán và tiếng Anh. Đây là hai môn em thấy kiến thức mình còn yếu. Em nghĩ môn toán có đề thi khó nhất, nên tập trung làm nhiều dạng bài tập, luyện nhiều bộ đề thi của các năm trước”. Môn toán và tiếng Anh là hai trong ba môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nên đa số học sinh rất lo với môn thi này.

Thầy Trịnh Tuấn Khoa, giáo viên dạy môn toán, Trường THPT Phú Hữu, cho biết: “Cách để các em kiếm điểm môn toán là cẩn thận, làm đến đâu phải chắc đến đó. Làm theo hình thức thi trắc nghiệm, học sinh không dễ tìm điểm 5 môn toán. Để giúp các em ôn tập tốt, tôi cùng các giáo viên ôn thi phân hóa theo đối tượng. Học sinh trung bình ôn luyện những phần cơ bản trong sách giáo khoa đến khi nào ổn mới chuyển sang phần nâng cao. Còn học sinh có học lực khá hơn, ngoài kiến thức cơ bản sẽ ôn thêm phần nâng cao. Việc vận dụng chiếc máy tính Casio để giải bài tập nhanh, chính xác là cách ôn tập hiệu quả sử dụng cho cả học sinh từ trung bình, khá đến giỏi”.

Luyện kỹ năng làm bài nhanh, chính xác là yêu cầu rất cần thiết để học sinh làm tốt các bài thi trắc nghiệm. Cô Đỗ Thị Thanh Thúy, giáo viên dạy môn địa lý Trường THPT Châu Thành A, bộc bạch: “Năm nay, có thêm chương trình lớp 11, nên giai đoạn này tôi không yêu cầu các em phải học thuộc lòng từng bài mà là cách ôn tập, nhớ bài theo chủ đề. Học theo sơ đồ tư duy, học nhóm sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng làm bài nhanh. Khi ôn, cho học sinh ngồi cạnh đổi đề và chấm chéo bài của bạn để học được nhiều câu hỏi và kiến thức. Qua mỗi lần sửa đề thi, giáo viên hướng dẫn học sinh mẹo làm bài (từ khóa, câu dẫn…), bổ sung kiến thức từ dữ liệu các câu trả lời. Bên cạnh đó, sử dụng, phát huy triệt để cuốn Atlat địa lý”.

Theo chia sẻ của các giáo viên, môn sinh học, đề thi năm 2017 có 50 câu, khá dài. Đa phần các em làm không kịp thời gian. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay các em học sinh cần ôn tập kỹ kiến thức trong sách giáo khoa. Ôn tập kỹ phần này các em sẽ dễ dàng hoàn thành 30 câu hỏi đầu tiên (6 điểm). Học sinh trung bình, khá cần nắm chắc phần này. Riêng đối với môn vật lý, thầy Nguyễn Trọng Hiếu, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Đề thi vật lý cho nhiều về lý thuyết, nhưng học sinh không thể “học vẹt” mà phải học hiểu, thuộc công thức và nên vẽ sơ đồ tư duy cho từng chương, bài. Học sinh muốn tìm điểm 6 trở lên phải chủ động làm bài tập khi về nhà, chú ý phần điện xoay chiều thường có khoảng trên 10 câu trong đề”.

Tạo tâm lý thoải mái cho học sinh

Kỳ thi đã cận kề, việc quản lý tốt học sinh trong quá trình ôn tập, ổn định tâm lý của học sinh là quan trọng nhất. Toàn tỉnh có 21/23 trường THPT vận động 100% học sinh lớp 12 ôn thi ngay tại trường. Ông Huỳnh Văn Méo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho hay: “Nguyện vọng của các em học sinh tại trường đa phần là thi THPT để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học nên muốn được ôn tập ở những nơi có điều kiện hơn, nhưng đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Bởi, ngoài thi để xét tuyển đại học, cao đẳng, học sinh trước tiên phải thi đậu tốt nghiệp THPT. Ôn bên ngoài, giáo viên mới, học sinh sẽ gặp khó khi nắm bắt được hết phương pháp học tập, có thể gây lúng túng. Chúng tôi đã làm những điều tốt nhất cho các em và quyết tâm năm nay phải đạt 100% học sinh đậu tốt nghiệp”. Nhờ sự chủ động trong việc lên kế hoạch cùng với phụ huynh, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý học sinh, đến nay tất cả 239 học sinh lớp 12 đều chọn ôn tập tại trường. Lợi thế này giúp giáo viên bộ môn nắm bắt được khả năng, phân loại học sinh yếu, kém để có kế hoạch bổ sung, củng cố kiến thức kịp thời, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi.

Nói về việc chọn ôn tập tại chỗ, em Phạm Võ Tâm Như, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Châu Thành A, bộc bạch: “Em chọn ôn tập tại trường cùng các bạn. Hiện nay em đang rèn kỹ năng làm, học nhóm. Với em học tập tại trường thoải mái, thầy cô quan tâm rất nhiều, dễ tiếp thu bài hơn. Tuy biết mình có thế mạnh ở các môn thi xã hội, nhưng môn ngữ văn em thấy vẫn cần phải nỗ lực ôn tập hơn. Vì đây là môn thi duy nhất thi tự luận, em lo đề thi sẽ khó nên đã kết hợp xem thêm nhiều sách tham khảo, tin tức, vấn đề thời sự để không bị bỡ ngỡ với đề thi có các vấn đề xã hội”. 

Với sự nhiệt tình của giáo viên và ban giám hiệu các trường, còn học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tâm lý và mặt kiến thức, sẽ mang lại chất lượng cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Lưu ý kinh nghiệm làm bài

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ, khi làm bài thi trắc nghiệm, một lưu ý đối với học sinh là cần làm bài theo thứ tự từ trên xuống, tránh xáo trộn để không bị phân tâm, như vậy làm bài sẽ nhanh và chính xác. Trước khi làm bài thi, học sinh phải đọc kỹ đề, xem đề thi có bị thiếu trang, câu hỏi hay không rồi hãy làm. Trong giai đoạn này, các em cần phân phối thời gian ôn tập, nghỉ ngơi, vui chơi cho khoa học, hợp lý để đảm bảo sức khỏe khi kỳ thi đã gần kề...

Theo Báo Hậu Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.