Công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2018 đã hoàn tất

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đề thi đã sẵn sàng

Rà soát ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thực hiện bổ sung điều chỉnh xây dựng ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 phù hợp với phương án đã công bố.

Ma trận đề đảm bảo phù hợp với hình thức thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hoá kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp.

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi.

Hiện nay, đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu.

Phần mềm Quản lý ngân hàng câu hỏi thi đã được hoàn thiện, sử dụng dễ dàng, phục vụ tốt cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và công tác xây dựng đề thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các sở GD&ĐT đã dùng thử cho kết quả tốt, đến nay đã sẵn sàng sử dụng. Hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, đến nay phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào.

Công việc chuẩn bị chu đáo ở 63 tỉnh thành

Cho đến nay, toàn bộ các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; nhiều đơn vị thành lập thêm Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt các điểm thi ở địa phương.

Đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi của địa phương mình.

Việc rà soát điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị của các Điểm thi thuộc Hội đồng thi, nhất là các Điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các Điểm thi đặt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng, … có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của Điểm thi được địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, các phương án phù hợp để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập và xử lý sự cố bất thường được thực hiện để đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho việc dự thi của thí sinh và an toàn tuyệt đối cho cán bộ tham gia tổ chức thi. Đồng thời, tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công bố kết quả thi không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, cũng như sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.

Các địa phương đều tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tăng cường tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cho cán bộ tham gia Kỳ thi; rà soát kỹ phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh an toàn thực phẩm và cung cấp điện, nước tại tất cả các Điểm thi; tăng cường công tác truyền thông để phổ biến các quy định của quy chế và pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong thi cử, nhất là tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Đặc biệt, mọi Hội đồng thi đều tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Nhiều địa phương ở vùng khó khăn đã huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trong những ngày thi, trong đó có các suất ăn miễn phí…

Ông Nam Nhật Minh – Phó trưởng phòng Quản lý thi và tuyển sinh
 Ông Nam Nhật Minh – Phó trưởng phòng Quản lý thi và tuyển sinh  

Hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia tổ chức thi

Các trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi đã bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng, đủ tiêu chuẩn tham gia tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các địa phương. Năm 2018, cả nước đã điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi.

Các trường cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia tổ chức thi với các địa phương đáp ứng yêu cầu của quy chế; có phương án cụ thể, khả thi cho việc đi lại, ăn ở cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian làm công tác thi; triển khai tập huấn nghiệp vụ công tác thi cho các bộ, giảng viên.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Năm nay, công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tổ chức kỳ thi tiếp tục được tăng cường. Theo đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho Kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong các ngày thi.

Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan tạo điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối việc vận chuyển đề thi, bài thi; bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới việc tổ chức thi. Đã đề xuất các phương án để tăng cường phương tiện bảo đảm giao thông, có các phương án kịp thời giải toả ách tắc giao thông trong các ngày thi; không để thí sinh đến dự thi muộn do ách tắc giao thông. Thực hiện ưu tiên bán vé tàu, xe cho cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ về các địa phương tổ chức thi và thí sinh đi thi; đảm bảo chế độ miễn giảm giá vé cho thí sinh đi thi.

Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các sở y tế, bệnh viện các tuyến của các tỉnh, thành phố chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị, chăm sóc y tế cho các cán bộ tham gia làm công tác thi tại các địa phương và cho thí sinh. Đồng thời, đã xây dựng phương án hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đề phòng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018; chỉ đạo các cơ quan hữu quan trực thuộc Bộ dự báo các tình huống an ninh mạng, dự kiến các biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố liên quan đến bảo mật của Kỳ thi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Công điện để các đơn vị thành viên cung cấp điện ổn định cho địa điểm ra đề thi, địa điểm in sao đề thi, các địa điểm coi thi và chấm thi; đã có phương án để khắc phục kịp thời các sự cố bất thường về cung ứng điện tới các địa điểm thực hiện các công việc tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã xây dựng các phương án phối hợp với các ngành hữu quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án phòng chống lụt bão để hỗ trợ xử lý và khắc phục kịp thời hậu quả các tình huống bất thường về thời tiết và thiên tai, đảm bảo an toàn cho Kỳ thi.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn cho Kỳ thi; tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, kịp thời giải toả ách tắc giao thông trước và trong các ngày thi; hỗ trợ bố trí nơi ăn, ở, hướng dẫn việc đi lại cho thí sinh và người thân của thí sinh ở xa về dự thi; phối hợp xử lý kịp thời khi xảy ra tai nạn hoặc các tình huống bất thường về thời tiết, thiên tai.

  

Tổng số thí sinh ĐKDT THPT quốc gia năm 2018: 925.792. Trong đó, tổng số TS dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là 879.705; tổng số TS sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là: 688.466 chiếm 74,3%. Cả nước có 2.144 Điểm thi với 39.689 phòng thi.

341.576 thí sinh đă ký bài thi KHTN, chiếm 37% (năm 2017: 38%)

444.538 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 48% (năm 2017: 43%)

36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017: 7%)

Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. So với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ