Hạt trưởng Kiểm lâm Mường Lát nhận khuyết điểm về phát ngôn với báo chí

GD&TĐ - Ông Hoàng Lâm Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thừa nhận thiếu sót trong phát ngôn với báo chí.

Gỗ và gốc cây sa mu được người dân tập kết ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)
Gỗ và gốc cây sa mu được người dân tập kết ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Ngày 12/4, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết “Gốc cây, gỗ nằm ngổn ngang trong nhà dân ở Thanh Hóa), phản ánh tình trạng nhiều gốc cây rừng, gỗ quý bị vứt ngổn ngang trong nhiều nhà dân ở địa bàn bản Cơm, Pù Ngùa, xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).

PV Báo GD&TĐ đã phỏng vấn ông Hoàng Lâm Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát. Nội dung trả lời phỏng vấn của ông Tùng có đoạn ghi: “Những gốc, gỗ đó do người dân đi lấy từ Lào về, chứ trong rừng của xã Pù Nhi không có loại gỗ đó”.

Ngày 16/4, ông Hoàng Lâm Tùng, ký công văn báo cáo các đơn vị liên quan giải trình về vụ việc trên. Công văn cũng được gửi tới Báo GD&TĐ.

Gốc gỗ được tập kết ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Gốc gỗ được tập kết ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Công văn nêu: “Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát mới được điều động và bổ nhiệm lên địa bàn huyện Mường Lát để thực hiện nhiệm vụ...

Đặc biệt, trong mùa nắng nóng phải tăng cường cao độ trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Theo đó, công tác cập nhật, nắm bắt thông tin, tình hình thực tế tại địa bàn các xã, các bản chưa thực sự đầy đủ, sát thực.

Vì thế, việc trả lời nhanh, phát ngôn với PV Báo GD&TĐ có sự nóng vội, chưa hoàn toàn đúng với tình hình thực tế, do chưa qua điều tra, xác minh thông tin thực tế”.

Cũng theo công văn trên, cây Sa mu (Sa mộc), Pơ mu là loài cây họ Thông, có tinh dầu thơm, có nguồn gốc phân bố trên địa bàn huyện Mường Lát, tại các xã Pù Nhi, Nhi Sơn và vùng giáp ranh các khu vực biên giới hai nước Việt - Lào.

Trước đây, các loại gỗ này được người dân huyện Mường Lát khai thác, sử dụng làm nhà ở và đồ dùng trong nhà (tủ, giường, ván thưng, cột, kèo, ván lợp…).

Gỗ, gốc cây Sa mu được tập kết ở nhà dân tại bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Gỗ, gốc cây Sa mu được tập kết ở nhà dân tại bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Vì thế, hiện tượng cành nhánh, gốc, rễ các loại gỗ rừng, đặc biệt gỗ Sa mu, Pơ mu vẫn còn sót lại, rải rác trong đất nương rẫy, trong đất rừng tại xã Pù Nhi (Mường Lát) là đúng thực tế.

"Không có tình trạng người dân thương mại, vận chuyển gốc, rễ Sa mu từ Lào về Việt Nam.

Những năm gần đây, đặc biệt các năm 2018 - 2019, huyện Mường Lát xuất hiện mưa lũ dài ngày, gây ra lũ ống, lũ quét, gây sạt lở đất, rửa trôi bề mặt, dẫn đến các loại gốc, rễ, lũa, cành, nhánh gỗ rừng còn sót lại trong rừng, trong đất, trên nương rẫy của cả Việt Nam và nước bạn Lào bị cuốn trôi xuống sông, suối trên địa bàn huyện Mường Lát....”, công văn có đoạn viết.

Từ báo cáo giải trình trên, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Mường Lát xin nhận khuyết điểm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Trưởng Ban chỉ đạo Lâm nghiệp huyện, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm về việc cung cấp thông tin cho báo chí thiếu chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ