Hạt mầm trong đất cằn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dịu cắp nón từ cổng đi vào sân, đôi bàn chân đất của cô bước thình thịch xuống dưới nền gạch.

Hạt mầm trong đất cằn

Vài viên sỏi nhọn găm vào khiến chân Dịu co lên, vuỗi xuống...

Ngôi nhà ngói liêu xiêu trong ráng chiều nhập nhoạng. Lá bạch đàn khô từ trên cây trút xuống, vài chú sẻ dáo dác bay về tổ. Đặt chiếc nón ngoài hiên, cánh cửa khép hờ, Dịu bước vào nhà. Bà Đặng - trạc 70 tuổi đang ho sặc sụa.

- Mẹ lại quên uống thuốc rồi. Con đã dặn mẹ, chiều nay con phải ra chợ bốc vác thuê một tý, mẹ phải uống thuốc vào thì mới cắt cơn ho chứ!

Bà Đặng nằm trên giường, cố hết sức để thều thào vài câu:

- Mấy hôm nữa tao đi viện, có chỉ vàng, khâu trong túi áo ở góc tủ, lấy ra mà chi thêm.

Khuôn mặt Dịu sáng bừng reo lên:

- Mẹ mà cũng có chỉ vàng tích góp từ bao giờ đấy?

Chẳng đợi mẹ nói, Dịu đưa bàn tay chai sần, thò vào chiếc túi áo màu gụ đã phai cũ. Dịu tìm hết túi bên phải rồi đưa sang túi bên trái, không thấy. Dịu lục tung cả bọc quần áo nhàu nhĩ ra, nhỡ may, bà mẹ để không cẩn thận rơi lẫn vào đó. Nhưng tìm mãi, chẳng có màu vàng óng ánh nào hiện ra. Dịu hớt hải lên tiếng:

- Mẹ! Mẹ có nhầm lẫn gì không chứ làm gì có chỉ vàng nào ở đây?

- Nhầm làm sao được, tao còn cẩn thận khâu cái túi đấy lại cơ mà.

Dịu bới lại chiếc áo màu gụ, đưa lên gần mắt và nhìn kỹ. Đúng là có một đường chỉ được khâu nhưng bị ai đó xé tung ra rồi.

- Mình bị mất chỉ vàng rồi mẹ ơi! – Dịu nói mà lạc giọng như sắp khóc.

- Chắc là thằng Đoàn, thằng anh trai mày nó lấy đi nướng vào đỏ đen rồi.

Dịu chợt nhớ ra, thằng anh trai vô dụng. Anh ta không nát rượu thì lại bạc bài. Hẳn nào, vợ bỏ anh ta đi. Chỉ có thằng Đội - con trai anh, nó biết thân biết phận mà học hành đỗ đạt. Nó vừa học vừa làm trên thành phố đã cực khổ trăm bề, vậy mà thỉnh thoảng anh ta vẫn gọi điện xin tiền con trai.

Dịu vứt đống quần áo để nguyên góc nhà chưa cất vào tủ, cô đẩy cửa bước ra sân. Từng bước chân vội vã, nhanh thoăn thoắt. Dịu men theo con ngõ nhỏ, quẹo trái, tới ngã ba, nơi có cái quán tạp hóa nhà lão Ban bán vài bao thuốc lá, vài gói kẹo lạc nhưng chủ yếu là nơi tụ tập cho cánh đàn ông lười làm, thích nói về sự đời với giọng điệu chán ngán. Nơi đó cũng tụ tập thú vui đỏ đen của các ông cho hết thời gian của những ngày tàn vô nghĩa.

“Ba quân át thì bét điểm rồi! Mấy ông cho tôi khất nợ nhé!”

Đoàn lom khom đứng dậy trong cái nhìn không mấy thiện cảm của vài người đàn ông. Anh ta ngồi lên chiếc ghế nhựa, vớ lấy điếu cày, vo tròn mấy sợ thuốc lào, châm lửa hút sòng sọc rồi nhả khói lên trời, vẻ thản nhiên tận hưởng.

- Anh Đoàn! Anh quá quắt lắm! Đưa chỉ vàng của mẹ cho tôi.

Dịu xông vào, cô lục tung hai túi quần của Đoàn, lục cả túi áo. Hai bên túi quần rách toạc từ khi nào. Còn túi áo thì rỗng không, chẳng có nổi một đồng lẻ.

- Mày tìm cái gì? Vàng nào? Ai thèm lấy của mẹ mà mày đổ cho tao?

- Không anh thì ai ở cái nhà này! Anh không thấy mẹ ốm đau khổ như thế mà còn lấy nốt chỉ vàng tiết kiệm của mẹ?

- Tao không lấy!

Mắt Đoàn vằn đỏ, trợn lên, nhìn thẳng vào Dịu, vẻ mặt anh ta đầy nghiêm túc. Dịu nhận thấy có lẽ mình đang đổ oan, có lẽ không phải anh ta. Cô đưa ánh mắt nhìn sang phía khác, đầu cúi xuống và bước trở về nhà. Đoàn không trợn mắt nữa, cơ mặt anh giãn ra, trở lại như ban đầu, hít thở sâu, bình tĩnh lại một chút, anh chạy theo Dịu quẹo vào con ngõ nhỏ.

Bước qua chiếc cổng đan bằng tre cũ kỹ, vào đến sân, chợt Đoàn nói to:

- Tao biết ai lấy trộm vàng nhà mình rồi!

- Ai? - Dịu hỏi.

- Con mẹ Nhan chứ còn ai vào đây.

Dịu đứng sững lại, đầu cô suy nghĩ, điểm lại những vết tích trong quá khứ để suy ngẫm. Nhan - người làng bên, người mà hay lân la vào nhà cô nhặt nhạnh những mẩu đinh hỏng đóng trên cột gỗ mục trong chiếc ráo để dùng xây dựng. Dịu vốn là thợ phụ hồ, Dịu cũng hay xin lại nhưng vật liệu cũ hỏng để dành cho Nhan vào thu mua.

- Thôi đúng con mẹ Nhan thật rồi! Thảo nào mấy hôm nay cô ta không qua đây.

Buổi sáng ngày hôm sau, Dịu cầm bao dứa, tay vừa gấp lại, miệng cô luôn hồi dặn dò với Đoàn:

- Lát đến nhà bà Nhan, phải kiên quyết đòi cho bằng được nhé. Kể cả mụ ta không có tiền hay vàng thì phải thu hết những đồ gì có giá trị đút vào cái bao tải này. Anh nhớ chưa?

- Biết rồi! Không phải dặn.

Nhà Nhan nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ xíu. Rẽ trái, quẹo phải, lên dốc, xuống dốc, đi thẳng, lại rẽ phải. Tiếng chó sủa lao xao ngoài ngõ, một gương mặt phụ nữ gầy guộc nhò ra. Nhìn thấy hai người, cô ta líu ríu chạy ra góc vườn định trốn.

Nhan chạy được mươi bước, cô ta đã phải đứng khựng lại vì tiếng quát ồm ồm như tiếng đàn ông của Dịu:

- Này! Cô có trả mẹ tôi chỉ vàng không thì bảo. Cô định trốn đi đâu?

- Anh chị tha cho em, bước đường cùng rồi em mới phải làm thế. Thằng Định - con em nó ốm quá! Mẹ con nuôi nhau bao ngày, nay nó sốt li bì không có nổi một đồng tiền thuốc.

Nghe thấy thế, Đoàn chạy ngay vào trong nhà. Căn nhà đơn sơ, tuềnh toàng. Vài bộ quần áo lao động vắt trên sợi dây thép hoen gỉ. Một chiếc vại sành đựng gạo bị sứt đặt chiếc rổ tre trên miệng.

Trong chiếc vại, chỉ còn không nổi một bát gạo để nấu nồi cơm. Chiếc gương soi bằng bàn tay bị vỡ một mảnh, vứt chỏng chơ trên mặt hòm gỗ bám đầy bụi bẩn. Thằng Định nằm trên chiếc giường ọp ẹp, bốn góc mắc bốn cái cọc để giăng màn.

Đoàn bước đến chỗ thằng bé, trên trán còn đắp chiếc khăn mặt. Đoàn bỏ chiếc khăn ra, đặt tay vào trán, cái trán nóng hổi khiến anh giật mình. Đoàn bế xốc thằng bé lên lưng, cõng nó và bước ra khỏi nhà.

- Để nó ốm thế này mà không chịu đưa nó đi bệnh viện à? - Đoàn nói giọng trách móc.

Dịu cầm bao tải lúi húi chạy theo. Nhan cũng bối rối quệt vội dòng nước mắt đi liền sau đó.

Ba người ngồi ở hành lang phòng cấp cứu. Tiếng bác sĩ dõng dạc cất lên:

- Người nhà bệnh nhân Nguyễn Khắc Định đâu?

Đoàn đứng phắt dậy định cất bước đi, chợt nhận ra điều gì rồi lại ngồi xuống. Nhan chạy vào trong phòng, cô ý tá đóng cửa lại.

- Cháu Định bị viên gan cấp tính, trường hợp này phải nhập viện gấp cho cháu. Người nhà ra quầy đóng viện phí làm thủ tục nhé!

Nhan cầm chỉ vàng trong tay, mặt như thất thần đi ra phía cửa. Đoàn nhìn thấy, anh hiểu chuyện. Anh rút vội chỉ vàng trong tay Nhan, mang ra cửa hàng bán. Cầm lại năm triệu quay về, Đoàn lấy từ trong túi hậu đằng sau mấy đồng tiền lẻ, duỗi thẳng tiền ra, rồi xếp vào cùng với mấy triệu vừa bán được.

- Thôi mình giúp người tới đây đủ rồi, anh em mình về nhà làm việc còn chăm mẹ nữa chứ! Mẹ mình cũng ốm khổ ốm sở đây này. - Dịu khua cái tay, nhăn mặt nói với Đoàn.

- Mày về trước đi, tao xem thằng Định thế nào đã rồi về sau.

- “Tao xem thằng Định thế nào đã rồi về sau”. Nó là gì của anh mà quan tâm ghê thế?

Đoàn ngước mắt lên nhìn Dịu, rồi lại ngoảnh sang chỗ Định đang nằm. Anh chẳng buồn nhếch mép nói gì nữa. Cứ lặng im, buồn buồn vậy thôi. Dịu đi về, cái tướng đàn ông trong thân hình của người đàn bà đầy vất vả và gánh vác.

Có lẽ, ông trời sắp đặt như thế lại hay. Còn Nhan, cái tướng yếu ớt của cô, đôi má hóp sâu vì khổ sở, đói rách mà không có khả năng chống đỡ, có khi còn tội nghiệp hơn.

Mấy ngày sau, thằng Định đỡ hơn chút, Nhan xin bác sĩ cho về nhà theo dõi và tiện xoay xở kinh phí đi viện tiếp. Đoàn lại cõng thằng bé ra đường vẫy xe tải nào tốt bụng cho họ về quê nhờ. Mấy người họ, nếu không ai cho nhờ thì thà đi bộ chứ không có tiền mà thuê xe.

- Tôi đã bảo cô phải sống tốt và lo cho con cơ mà! Sao cái thân cô còn chẳng lo nổi thế!

- Vâng! Em sức vóc hèn mọn, thân cô thế cô. Đã thế thằng Định cứ ốm đau luôn, một mình em cáng đáng không kịp.

Đoàn hiểu những điều Nhan nói, bởi chính anh cũng chẳng lo nổi cuộc đời của mình. Vợ anh vì cái nghèo mà cô ấy phải bỏ sang Trung Quốc làm thuê. Không biết khổ sở thế nào nhưng từ đó cả nhà anh không còn liên lạc gì với cô ấy nữa.

Cái tính thẳng thắn, đi đâu, làm gì Đoàn cũng bị mất lòng rồi dần dần sinh ra mất việc. Thành ra Đoàn cứ chung thủy với nghề phụ hồ, trộn vữa. Chán làm, anh lại tìm đến rượu, thứ men say làm anh quên đi giây lát cái khổ, cái nghèo.

Rồi anh lại mơ đến cuộc sống giàu sang, có tiền bạc. Anh chơi đỏ đen, xóc đĩa. Nhiều khi Đội - thằng con trai của anh có học hành, nó khuyên bố bỏ đi tật xấu, nhưng được dăm bữa ở nhà thấy cô đơn anh lại chứng nào tật nấy.

5 năm trước, trong cái đêm men say, anh ngủ ở khu nhà mới xây để trông coi vật liệu cho người ta. Anh kéo Nhan vào màn để nằm khỏi muỗi. Đêm ấy, muỗi chẳng đốt Nhan, nhưng Nhan lại có mang thằng Định.

Nhan sinh nó, cả làng xã đồn Nhan có con với người khác, không phải ông Lạt - chồng Nhan. Ông Lạt già rồi, lại trải qua ba đời vợ, chẳng vợ nào đẻ cho ông mụn con. Cùng thời gian đó, ông chết đi, để lại nghi ngờ cho cả làng, cả xã.

Mặc ai nói thì nói, ai kêu thì kêu, Nhan chẳng có thời gian quan tâm tới điều ấy. Nhan cứ bồng bềnh cái xe đạp rách và nhặt nhạnh sắt vụn đi bán phế liệu, vậy thôi. Cuộc sống mẹ góa con côi, biết lăn vào đâu cho đời bớt nghèo, bớt rách.

- Anh Đoàn, sao dạo này anh cứ bám riết lấy mẹ con mụ Nhan thế? Bao giờ cô ta đó trả nợ cho mình? - Dịu nói gằn giọng với Đoàn.

- Người ta khốn khổ, cho thêm còn chả có, đòi làm gì?

Dịu cười lớn:

- Này! Anh tỉnh lại đi, anh có mà cho thêm không? Anh xem mẹ anh còn ốm vật vờ ra đấy.

- Cô nói ít thôi, tôi tính tháng sau đưa mẹ con cô ấy về nhà ta ở đấy.

Dịu trố tròn hai mắt không nói được câu nào.

Tháng sau, Đoàn dẫn Nhan về nhà mình thật! Thằng Định bẽn lẽn đi bên cạnh mẹ. Nó lễ phép chào bà rồi chào cô. Thằng Đội hiểu chuyện nên cũng chấp nhận mẹ và em mới. Từ ngày có Nhan về, Đoàn làm ăn chăm chỉ, tối về vui vầy cùng gia đình. Nhan bán khu đất ở làng bên, có được chút tiền cho Đoàn sửa sang lại căn nhà cũ.

- Con trả lại mẹ chỉ vàng hôm trước này!

Nhan ngại ngùng, run run bàn tay đưa ra. Bà Đặng xua tay rồi nói:

- Mẹ lấy của cô làm gì nữa! Thôi, coi như của hồi môn sớm mẹ tặng cô khi bước chân vào nhà này.

Khuôn mặt Đoàn như rạng rỡ hơn quay sang nói với Dịu:

- Xây cho cô Dịu một phòng nhỏ, nếu không lấy chồng, cô cứ ở đây cùng gia đình cho vui.

Dịu bĩu môi cười hờn dỗi:

- Ai bảo em không lấy chồng, anh Phán xóm Đông hôm trước hỏi em rồi đấy!

Giọt nắng cuối chiều, vương trên những môi cười hi vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.