Hát bội rộn ràng cùng "Chiếc áo thiên nga"

GD&TĐ - Sau Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tổ chức tại Nghệ An từ ngày 17 – 28/5, “Chiếc áo thiên nga” sẽ đến với đông đảo học sinh - sinh viên.

Vở hát bội “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh
Vở hát bội “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh đang công diễn vở hát bội “Chiếc áo thiên nga” tại rạp Thủ Đô trong 3 ngày: 9, 11 và 14/5. Vở diễn vừa phục vụ công chúng, vừa xem như là đợt tổng duyệt cuối cùng trước khi dự thi Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tại Nghệ An.

Tái hiện mối tình bi tráng

Khác với các bản dựng cải lương và kịch nói trước đây, bản dựng “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM không đi sâu vào những vấn đề chính trị, thuật trị nước đã được các bản dựng trước đây khai thác, mà tập trung làm nổi bật tâm lý của các nhân vật. Hướng khai thác này khá bất ngờ khi vở diễn vì thế cũng đầy nỗi niềm hơn là thể hiện cảm xúc bi hùng quen thuộc của nghệ thuật hát bội.

“Chiếc áo thiên nga” là kịch bản kịch nói của soạn giả Lê Duy Hạnh, từng được đạo diễn Đức Thịnh của sân khấu Phú Nhuận dàn dựng với tựa đề “Nỏ thần” – rất hoành tráng và rung động khán giả. Sau đó, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương với tên gọi “Chiếc áo thiên nga” do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ dàn dựng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TPHCM), với hơn 300 diễn viên, vũ đoàn, công nhân, hậu đài, gây ấn tượng mạnh mẽ.

NSƯT Hữu Danh lại chuyển thể thành kịch bản hát bội, với bàn tay đạo diễn của NSND Trần Ngọc Giàu - “Chiếc áo thiên nga” qua nghệ thuật hát bội trở nên đẹp đẽ như một bài thơ bi tráng. Câu chuyện dựng nước và giữ nước thời An Dương Vương vẫn là bài học kinh nghiệm cho mãi tới ngày nay, không hề lạc hậu. Khán giả nghe kỹ từng lời, từng chữ sẽ thấm thía chuyện thế sự, nhân tình và đau cho mối tình của Trọng Thủy - Mỵ Châu thời ly loạn.

Điểm nhấn quan trọng nhất của vở là quan niệm về chiến tranh, hòa bình, lòng yêu nước thương dân. Trong đó, Trọng Thủy đã được người Việt cảm hóa để rồi chàng đấu tranh với vua cha Triệu Đà kiên quyết chống lại chiến tranh. Nhưng vó ngựa xâm lăng đã quét tan mơ ước của những người lương thiện. Cuối cùng, ngọc nát châu chìm, để lại một câu chuyện đẹp đến rơi lệ.

Những nghệ sĩ hát bội như Bảo Châu (vai Trọng Thủy), Ngọc Giàu (vai Mỵ Châu), Đông Hồ (Triệu Đà), NSƯT Linh Hiền (An Dương Vương), Hoàng Hà (Cao Lỗ), Minh Khương (Nhan Tấn), Kiều My (Hoàng Dung) có ngoại hình đẹp, vũ đạo chuẩn, giọng ca tốt… hứa hẹn đem lại vở diễn thành công.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng gặp khá nhiều thử thách khi phải tiết chế phần vũ đạo, tập trung nhiều cho diễn xuất so với các vai diễn trước đây. Nghệ sĩ Bảo Châu cho biết, mình vốn mạnh về vũ đạo nên nhận một vai tâm lý nặng cũng rất áp lực.

Tuy nhiên, đây là cơ hội để học hỏi, rèn luyện thêm nhiều về chiều sâu diễn xuất. Vai diễn xuất hiện nhiều, gần như cảnh nào cũng có mặt, đòi hỏi nghệ sĩ rèn luyện thể lực thật tốt để đảm bảo sức khỏe cho toàn bộ quá trình.

Tới đây, vở hát bội “Chiếc áo thiên nga” sẽ đến với học sinh – sinh viên.

Tới đây, vở hát bội “Chiếc áo thiên nga” sẽ đến với học sinh – sinh viên.

Đem vở diễn đến với người trẻ

Mượn truyền thuyết xa xưa để chuyển tải thông điệp “viên đạn bọc đường” của thời bình, nguy hiểm gấp nghìn vạn lần lằn tên mũi đạn giữa thời chiến. Đồng thời, việc giữ nước không có chỗ cho sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Chính vì vậy, “Chiếc áo thiên nga” vẫn là kịch bản được nhiều loại hình nghệ thuật khai thác, thậm chí có đến 2 bản dựng cải lương khác nhau.

“Chiếc áo thiên nga” từng được nhiều sân khấu khắp trong Nam ngoài Bắc thực hiện, làm sống dậy trong công chúng về một huyền sử đẹp.

Từ năm 2008, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã khiến vở diễn này trở nên nổi tiếng. Với kinh phí lên tới 2,5 tỉ đồng, gây ấn tượng mạnh về thị giác bởi sự hoành tráng, quy mô với hơn 100 diễn viên và kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: Opera, xiếc, múa…

So với huyền sử, kịch bản vở diễn của tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt thay đổi vài tình tiết. Như chiếc áo lông ngỗng nổi tiếng của nàng Mỵ Châu đổi bằng chiếc áo thiên nga sang trọng. Hay tấm lòng chung tình của chàng Trọng Thủy được khắc họa đậm nét hơn.

Không có cảnh Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần, hoặc cố tình khai thác bí mật quân sự từ người vợ ngây thơ. Chỉ có các cảnh hai người tự tình, thể hiện tình cảm luyến ái đậm đà của tình yêu đôi lứa.

10 năm sau, Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng lại “Chiếc áo thiên nga” mang màu sắc hoàn toàn mới để phù hợp với sân khấu truyền thống cải lương phía Bắc. Vở chỉ giữ cốt truyện và viết lại toàn bộ lời hát để phù hợp với diễn viên và từng nhân vật.

Sân khấu được thiết kế mang tính ước lệ với bục bệ xoay như hình tượng của thành Cổ Loa hình xoắn ốc. Và xuyên suốt vở diễn, hình ảnh lông thiên nga luôn hiện hữu. Những chiếc lông thiên nga được trang trí trên sân khấu, lúc mang lại không gian huyền ảo như giấc mơ, lúc lại hóa màu đen biểu tượng cho sự tan vỡ.

Sau buổi diễn này, tác giả Lê Duy Hạnh đã thốt lên, rất vui khi “đứa con tinh thần” của mình được khán giả Hà Nội nhiệt tình đón nhận. Dù rằng, cách nhìn về Mỵ Châu – Trọng Thuỷ không theo như truyền thống.

Có thể thấy “Chiếc áo thiên nga” là kịch bản từng được dàn dựng với nhiều phiên bản sân khấu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sân khấu hát bội thực hiện đầu tư dàn dựng. Bởi vậy, từ âm nhạc cho đến lời thoại phải được thay đổi, bớt tiếng Hán sao cho dễ nghe, dễ hiểu. Đồng thời, việc thiết kế sân khấu cũng hoàn toàn mới mang ý nghĩa hoành tráng, chứ không bó hẹp quy mô như vở ca hát bội truyền thống.

Đại diện Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vở diễn sẽ dự thi Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tổ chức tại Nghệ An vào cuối tháng 5 tới. Sau đó, “Chiếc áo thiên nga” sẽ đến với đông đảo học sinh - sinh viên, nhằm khơi gợi văn hóa truyền thống ở các bạn trẻ, về vẻ đẹp hát bội cũng như niềm tự hào lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.