Nguyễn Phương Vy - sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành dự án mang tên “Bội Tự” - nghệ thuật hát Bội thể hiện thông qua con chữ.
Mong manh nghệ thuật hát Bội
Theo các tài liệu ghi lại thì hát Bội xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 12, khi nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông và bắt được nhiều tù binh. Trong đó, có những con hát theo phục vụ quân đội mà nổi tiếng nhất là Lý Nguyên Cát. Vua Trần giữ những người này lại để múa hát trong cung.
Tuy nhiên, trong thực tế người Việt chỉ học hỏi cách vẽ mặt, y trang, bổ sung những điệu hát mới nhằm nhuận sắc cho nghệ thuật múa hát theo tuồng tích đã có từ trước. Không chỉ là trò giải trí chốn cung đình, hát bội nhanh chóng lan tỏa khắp thôn quê, được người dân vô cùng yêu thích. Thế nên mới có câu ca: Hát Bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con.
Nhắc tới hát Bội, người xưa thường nhớ đến hai danh nhân là Đào Duy Từ và Đào Tấn. Đào Duy Từ được đánh giá là người có công đầu trong việc phổ biến và phát triển nghệ thuật hát Bội ở Đàng Trong. Nghệ thuật này phát triển đến độ hoàn thiện về mặt trình diễn và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân.
Đào Tấn lại được xem là người đưa hát Bội trở thành nghệ thuật hàn lâm, khi ông chú trọng phát triển theo hướng văn chương bác học - chỉ dành cho những trí thức cung đình. Ông được xem là người đã đưa hát Bội lên đến đỉnh cao về nghệ thuật cũng như văn chương.
Trong nhịp sống hiện đại, sân khấu hát Bội dần mất đi hào quang bởi hình thức ca - vũ - nhạc dân gian mang tính ước lệ tượng trưng cao, khiến khán giả hiện đại cảm thấy khó khăn trong việc cảm thụ. NSƯT Hữu Danh từng nói rằng, với tình hình như hiện nay, có người đến với hát Bội đã là quý lắm.
Mong muốn góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, Nguyễn Phương Vy - tác giả dự án “Bội Tự” cho biết, cô chọn hát Bội vì đây là loại hình biểu diễn vô cùng ấn tượng về thị giác, tổng hợp đa dạng và công phu các lĩnh vực nghệ thuật như diễn xuất, vũ đạo.
Nhân dịp làm đồ án tại trường, Phương Vy đã nắm bắt thời cơ chọn đề tài này. Trùng hợp là, có đợt đoàn hát Bội về trường – nơi Vy đang theo học để biểu diễn. Được trực tiếp chứng kiến từ quá trình dựng sân khấu, hóa trang và xem các nghệ sĩ biểu diễn cũng như sinh họat giới thiệu loại hình này, đã tạo động lực để Vy thực hiện dự án một cách bài bản và hệ thống hơn.
Hát Bội trên 22 chữ cái
Để bắt đầu dự án, Phương Vy đã nghiên cứu các khái niệm hát Bội khác nhau lần lượt theo bảng chữ cái alphabet, sau đó thu thập hình ảnh tương ứng với khái niệm đó và phác họa.
Vy cho biết, ban đầu dự án đơn thuần là bài đồ án gồm 11 chữ cái. Về sau, nhân lúc nghỉ dịch Covid-19 vì rảnh rỗi nên cô tiếp tục thực hiện, chỉnh sửa lại và phát triển thành dự án cá nhân gồm một typeface - bộ các chữ cái có cùng điểm chung trong thiết kế, với hai định dạng và 22 chữ cái được vẽ cách điệu.
“Sau khi phác họa trên giấy, mình dùng máy để vector hóa, chỉnh sửa, lên màu, rồi dàn layout và chắt lọc nội dung. Font chữ cũng được phác họa tay trước khi lên máy, sau đó căn chỉnh khoảng cách và xuất font”, Phương Vy cho hay.
Phương Vy cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là những hạn chế về nguồn tư liệu. Để khắc họa chính xác nhất hồn cốt của nghệ thuật hát Bội, cô sinh viên đã tìm đến những tài liệu cơ bản, như “Sổ tay thưởng thức hát Bội” của Huỳnh Ngọc Trảng, hay “Nghệ thuật sân khấu hát Bội” của Lê Văn Chiêu, nghe chia sẻ từ NSƯT Hữu Danh.
Dự án “Bội Tự” gồm hai phần, đầu tiên là Typeface (kiểu chữ) được thiết kế theo hai định dạng Regular (bình thường) và Italic (in nghiêng) với sự tương phản mạnh giữa các nét thanh - đậm và các nét móc nhọn kéo dài, lấy cảm hứng từ hình ảnh lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát Bội.
Phần hai là các chữ cơ bản trong bảng chữ cái được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung liên quan hát Bội, gắn liền cụm chữ có ký tự đó đứng đầu. Như chữ C, Phương Vy chọn diễn giải khái niệm cờ lệnh - một trong những đạo cụ sân khấu thường thấy ở sân khâu hát Bội, hay được giắt phía sau lưng ngả về phía hai vai.
Chữ H được Phương Vy diễn giải trang phục “hia” - một loại giầy dùng cho các nhân vật nam có cổ đứng, đế cong hình bán nguyệt, nhân vật khi rơi vào tình huống bi kịch thường dùng chân hia để bê, xiết thể hiện nội tâm.
Minh họa đi kèm là đôi hia với hai chiếc giày chẽ ra, kết nối khéo léo thành hình chữ H. Chữ K được Phương Vy lựa chọn giải nghĩa “kép” - từ dùng để chỉ người đàn ông ca hát trên sân khấu. Chữ M đại diện cho “mão” - vật dụng dùng cho hầu hết các nhân vật trong hát Bội với hình ảnh được uốn cong, tô vẽ bắt mắt.
Trong 22 bức họa phỏng dựng nghệ thuật hát Bội, ba chữ cái Phương Vy cho là tâm đắc nhất là S - Y - U, vì đó là những ký tự được cô cách điệu dựa trên những hình ảnh mà chính tay mình chụp tại các buổi biểu diễn hát Bội.