Hơn 20 nghệ nhân đến từ vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ mang đến cho du khách những tiết mục múa hát dân gian, trình diễn nhạc cụ truyền thống (trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi), làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp của người Chăm; Trình diễn Mã la, khèn bầu, đàn Chapi của người Raglai. Du khách cũng được trải nghiệm tự mặc trang phục Chăm và thưởng thức hương vị ẩm thực Ninh Thuận.
Trình diễn Mã la, trống (Raglai) |
Trong không gian văn hóa Tết Trung thu tại Bảo tàng DTHVN, các em thiếu nhi còn được trải nghiệm làm đồ chơi dân gian truyền thống đặc trưng của ngày Tết Trung thu dưới sự hướng dẫn của thợ thủ công và các bạn tình nguyện viên.
Hướng dẫn làm đồ chơi trung thu |
Giới thiệu và hướng dẫn cách làm ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, nặn hoa quả bột… là hoạt động đã duy trì nhiều năm tại Bảo tàng DTHVN. Những hoạt động này đã đem lại ý nghĩa quan trọng trong việc giúp nghệ nhân phát triển sản phẩm, gắn bó với nghề và chủ động bảo tồn nghề thủ công truyền thống.
Làm gốm Bàu Trúc |
Cùng với các hoạt động trình diễn nghệ thuật, làm đồ chơi dân gian, khách tham quan có cơ hội chơi trò chơi dân gian, đặc biệt là các trò chơi của người Chăm, Raglai ở Ninh Thuận như: thi đội nước, đuổi quạ, bịt mắt đập niêu, diều hâu bắt gà con, Kaiw (chạy vượt điểm)…
Du khách được chiêm ngưỡng dệt thổ cẩm trong chương trình “Trung thu 2018: Sắc màu văn hóa Ninh Thuận” |
Bên cạnh đó Trải nghiệm khoa học qua đồ chơi dân gian là một trong những hoạt động mới, góp phần khuyến khích trí tò mò, sự sáng tạo tìm hiểu khoa học qua đồ chơi dân gian sẽ mang đến cho các em nhiều điều thích thú.
Thông qua trải nghiệm cách làm diều và tàu thủy sắt tây, các em nhỏ được tìm hiểu về bí mật của sự nổi và áp suất không khí. Đây là cơ hội để các nghệ nhân trực tiếp giới thiệu các tri thức dân gian gắn với kiến thức khoa học qua cách làm đồ chơi.