Hấp dẫn giờ dạy Công nghệ với “Bàn tay nặn bột”

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Đình Tú - Trường THCS Chí Tân (Khoái Châu - Hưng Yên) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học môn Công nghệ lớp 8.

Hấp dẫn giờ dạy Công nghệ với “Bàn tay nặn bột”

Theo thầy Nguyễn Đình Tú, tiến trình dạy học sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” được mô tả theo sơ đồ cụ thể sau:

Lựa chọn kiến thức, chủ đề dạy học

Khi lựa dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, giáo viên cần chọn kiến thức kĩ năng, chủ đề dạy học phải gần gũi với đời sống mà học sinh dễ cảm nhận và đã có ít nhiều kiến thức, những quan niệm ban đầu về chúng để học sinh tự đề xuất được các phương án thí nghiệm, tự lực tiến hành tìm tòi nghiên cứu.

Lựa chọn sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học

Với các phương pháp dạy học khác việc sử dụng các dồ dùng dạy học như: tranh ảnh, bảng biểu, vật thật… nhiều khi mang tính minh họa, kiểm chứng do giáo viên đưa ra. Phương pháp “Bàn tay nặn bột” khác ở chỗ, học sinh có thể được trực tiếp chọn lựa, chuẩn bị đồ dùng, thiết bị sau khi đã đề xuất phương án tìm tòi nghiên cứu.

Thầy Nguyễn Đình Tú lưu ý, phải có đủ số lượng đồ dùng, thiết bị cho học sinh hoặc nhóm học sinh; sử dụng thiết bị dạy học phù hợp, đúng lúc để tạo được hiệu quả cao nhất; phải kiểm tra các hình ảnh, thiết bị dạy học… nhằm đảm bảo độ an toàn.

Với các bài học có sử dụng phương pháp thí nghiệm trực tiếp, giáo viên cần làm trước các thí nghiệm.

Tổ chức hình thức hoạt động dạy và học

Dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” có rất nhiều hoạt động theo nhóm, khi sắp xếp bàn, ghế theo dãy truyền thống sẽ nhiều bất lợi. Nên, khi tổ chức thảo luận nhóm, bàn, ghế được sắp xếp theo nhóm cố định. Phương pháp “Bàn tay nặn bột” có hai hình thức là: Thảo luận nhóm nhỏ (trong nhóm làm việc) và thảo luận nhóm lớn (toàn bộ lớp học).

Với hoạt động này, thầy Tú lưu ý: Các nhóm bàn ghế cần sắp xếp hài hòa theo số lượng học sinh trong lớp.

Cần chú ý đảm bảo ánh sáng, hướng ngồi của các học sinh sao cho tất cả học sinh đều nhìn thấy rõ thông tin trên bảng;

Lưu ý các học sinh bị các tật quang học ở mắt như cận thị, loạn thị để bố trí các em ngồi vừa tầm nhìn với bảng chính, màn hình máy…

Khoảng cách giữa các nhóm đảm bảo đi lại dễ dàng cho học sinh khi lên bảng trình bày, di chuyển khi cần thiết;

Đối với những bài học có làm thí nghiệm, thực hành, giáo viên cần có chỗ để các vật dụng cho học sinh.

Nhóm làm việc lý tưởng là từ 4 đến 6 học sinh. Trong một số trường hợp có thể thực hiện nhóm làm việc hai học sinh.

Thiết kế hoạt động dạy và học

Với hoạt động này, giáo viên cần một mặt bám sát mục tiêu, nội dung của kiến thức, của chủ đề dạy, mặt khác căn cứ vào các nguyên tắc, các kĩ thuật dạy học của phương pháp “Bàn tay nặn bột” thiết kế hoạt động dạy của thầy sao cho phù hợp với hoạt động học (nhận thức) của học sinh.

5 bước cụ thể của hoạt động này như sau:

Bước 1. Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề: Giáo viên chủ động đưa ra một tình huống lồng ghép với câu hỏi nêu vấn đề như là một cách dẫn nhập vào bài học.

Bước 2. Bộc lộ biểu tượng ban đầu: Học sinh nêu được những biểu tượng ban đầu (là quan niệm chung chung về sự vật hiện tượng, có thể chưa thực sự chính xác do HS nghĩ ra) về tình huống có vấn đề vừa đưa ra.

Bước 3. Đề xuất câu hỏi và phương án thí nghiệm: Giáo viên định hướng học sinh so sánh trong nhiều biểu tượng ban đầu lựa chọn lấy một số biểu tượng ban đầu theo ý đồ, mục đích dạy học. Để học sinh đề xuất các câu hỏi và phương án thí nghiệm thảo luận liên quan đến nội dung bài học.

Bước 4. Tiến hành thí nghiệm tìm tòi - nghiên cứu: Học sinh tiến hành các hoạt động quan sát, tìm tòi, thí nghiệm nghiên cứu và ghi chép tiến trình, kết quả dưới sự bao quát của giáo viên.

Bước 5. Kết luận, hợp thức hóa kiến thức: Sau khi tìm tòi - nghiên cứu, các câu trả lời dần dần được giải quyết, kiến thức được hình thành. Giáo viên có thể cho một vài ý kiến của học sinh hoặc đối chiếu lại với các biểu tượng ban đầu sau đó tóm tắt, kết luận và hệ thống lại.

Thực hiện các hoạt động dạy và học

Dù thiết kế hay, dù chuẩn bị tốt nhưng thầy Nguyễn Đình Tú cho rằng, việc thực hiện các hoạt động dạy và học trên lớp đòi hỏi người thầy có sự linh hoạt, sáng tạo trong tình huống và bên cạnh đó là mức độ hợp tác của học sinh đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng tới thành công của giờ học.

Rút kinh nghiệm dạy và học

Khi giờ dạy học kết thúc không thể không có hạn chế cần khắc phục, bởi thế cần có sự nhận xét đánh giá quá trình thực hiện dựa trên các mục tiêu cụ thể ban đầu, để có sự thay đổi phù hợp, cụ thể qua từng bước quá trình của quá trình dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ