Nội dung buổi làm việc xoay quanh việc triển khai xây dựng Trung tâm ứng dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” tại TP Quy Nhơn.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Bình Định tại buổi làm việc cho biết: Được triển khai thí điểm tại tỉnh Bình Định từ năm học 2011 - 2012, đến nay, phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” đã được triển khai nhân rộng tại 11 huyện, thị xã và thành phố ở Bình Định với 28 trường tiểu học, 260 lớp, 8.700 học sinh.
Ở cấp THCS, toàn bộ 149 trường trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả phương pháp này ở các khối lớp 6, 7 và 8, trong đó có 15 trường THCS được chọn dạy thí điểm. Sau 3 năm thực hiện, chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến đáng kể.
Giáo viên của tỉnh Bình Định đã có thêm một phương pháp dạy học mới, giúp họ có nhiều cơ hội lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp cho học sinh trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Bình Định và Trường ĐH Quy Nhơn cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất kế hoạch triển khai hình thành Trung tâm quốc gia thực nghiệm và hỗ trợ phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại Quy Nhơn.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, hiện Sở GD&ĐT Bình Định đã tiến hành chọn địa điểm thực hành triển khai xây dựng Trung tâm ứng dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” tại 2 trường trên địa bàn TP Quy Nhơn là Trường Tiểu học Ngô Mây và Trường THCS Ngô Văn Sở.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao nỗ lực của ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định trong việc triển khai ứng dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy mang lại hiệu quả cao.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD&ĐT đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổ chức “Bàn tay nặn bột” và Hội “Gặp gỡ Việt Nam” tại Pháp cùng hợp tác xây dựng Trung tâm Quốc gia thực nghiệm và hỗ trợ phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại Quy Nhơn.
2 trường được chọn trên địa bàn TP Quy Nhơn sẽ là đầu mối liên kết giữa Bộ GD&ĐT với Tổ chức “Bàn tay nặn bột” cũng như giữa các trường trong cả nước.
Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ sở thực hành sư phạm của Trường ĐH Quy Nhơn, thực hiện sứ mệnh liên kết giữa các trường phổ thông với các trường sư phạm trong việc thực hiện phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”. Đây sẽ là mô hình tốt để ngành GD&ĐT thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cam kết ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng Trung tâm ứng dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” tại TP Quy Nhơn, giao Sở GD&ĐT Bình Định lên kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng Trung tâm tại 2 trường trên địa bàn là Trường Tiểu học Ngô Mây và Trường THCS Ngô Văn Sở, trình UBND tỉnh phê duyệt.