Hào hứng với chương trình mới

GD&TĐ - Để đánh giá hiệu quả của quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều trường THPT sau mỗi tuần học khảo sát ý kiến học sinh, giáo viên.

Giờ học của học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang). Ảnh: NVCC
Giờ học của học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang). Ảnh: NVCC

Qua đó tìm phương án khắc phục những hạn chế đang gặp phải.

Tạo hứng thú cho học sinh

Năm học 2022 - 2023 đã đi qua những tuần đầu tiên. Trần Lâm - lớp 10 Trường THPT Lê Qúy Đôn (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Chúng em là khóa đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 cấp THPT và trước đó trải qua 2 năm học trực tuyến. Do vậy những tuần đầu, thầy cô chủ yếu ôn lại kiến thức cũ đồng thời giới thiệu chương trình học của các môn; phương pháp học và làm quen với những thay đổi để không bị bỡ ngỡ, áp lực. Thời gian này giúp chúng em nhìn nhận lại xem bản thân đã lựa chọn tổ hợp phù hợp chưa? Liệu có đáp ứng được những yêu cầu mà chương trình đưa ra không? Nếu chưa vẫn có cơ hội để thay đổi nguyện vọng”.

Lựa chọn tổ hợp Khoa học Xã hội, theo đánh giá của Lâm, Chương trình GDPT 2018 đã hạn chế rất nhiều vấn đề học thuộc; các bài học yêu cầu học sinh phải nắm được cốt lõi, bản chất vấn đề. “Với yêu cầu học như thế này, em cảm thấy khá hứng thú”, Lâm nói.

Còn Nguyễn Hà Thương - lớp 10 Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Lớp em đang được thầy cô tập trung ôn tập, gia cố kiến thức cơ bản để chuẩn bị học kiến thức mới. Do đó tâm lý cả lớp khá thoải mái, không bị áp lực, cho dù Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới”.

Thương lựa chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Trong thời gian nghỉ hè nữ sinh này tự nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 và so sánh với chương trình 2006 và nhận thấy nội dung kiến thức không khác nhiều. “Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 đổi mới về phương pháp tiếp cận, yêu cầu người học phải chủ động với bài học. Điều đó khá thú vị, kích thích học sinh, hạn chế sự phụ thuộc của học trò vào thầy cô”, Thương cho biết.

“Quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn hỏi han để nắm kịp thời tâm tư, vướng mắc, từ đó tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ nhằm giúp học sinh học tập hiệu quả nhất. Chương trình GDPT 2018 mang tính hướng nghiệp, ngay khi bước vào lớp 10 các em phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Do đó, bản thân mỗi giáo viên luôn ý thức, trách nhiệm và sát sao với học sinh, đặc biệt phát huy hết những ưu việt mà chương trình đưa ra”, cô Ngọc chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Bắc Sơn (Sơn La): Hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 nên chương trình học cắt giảm để phù hợp với điều kiện thực tế. Trong những tuần đầu năm học, giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh cách tiếp cận với kiến thức trong sách giáo khoa mới. Ngoài thời gian học trên lớp, trường tổ chức dạy bù kiến thức cho các em vào các buổi chiều.

Bên cạnh đó, với những em có nguyện vọng thay đổi tổ hợp các giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với Ban tư vấn của nhà trường nghiên cứu hồ sơ học bạ ở THCS để biết được năng lực, sở trường nhằm đưa những lời khuyên tốt nhất cho học sinh. Không để các em lựa chọn theo cảm tính, ảnh hưởng đến tương lai.

Tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Bắc Sơn, không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà thầy cô bộ môn cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ tối đa cho học sinh, đặc biệt là trò năm nay bước vào lớp 10.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Học sinh lớp 10 Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Hỗ trợ tối đa

Tại Trường THPT Cư M’Gar (Đắk Lắk), hàng tuần, ban giám hiệu nắm bắt tình hình của học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm, bộ môn để biết được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của các em; đánh giá hiệu quả triển khai giảng dạy đặc biệt là Chương trình GDPT 2018.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hào, những tuần đầu năm học, Trường THPT Cư M’Gar cũng có một số học sinh xin chuyển tổ hợp, tuy nhiên số lượng không nhiều. Đối với trường hợp này, nhà trường đã gặp riêng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em. Trong quá trình làm đơn xin chuyển, chúng tôi cũng yêu cầu có xác nhận của phụ huynh.

Trước đó, để học sinh hiểu rõ Chương trình GDPT 2018, trong năm học 2021 - 2022, Trường THPT Cư M’Gar đã đến các trường THCS để tư vấn tuyển sinh, phổ biến những thay đổi để phụ huynh, học sinh nắm rõ và xác định năng lực của bản thân. Sau khi trúng tuyển vào lớp 10, nhà trường tiếp tục phổ biến, tư vấn chọn tổ hợp cho học sinh, phụ huynh một lần nữa trước đăng ký nguyện vọng.

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) có 537 học sinh lớp 10 chia thành 12 lớp và 7 nhóm môn tự chọn. Cũng giống Trường THPT Cư M’Gar, thầy Lưu Văn Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên cho biết: “Qua khảo sát ý kiến học sinh, chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào về việc khó khăn trong học tập hay tiếp cận kiến thức Chương trình GDPT 2018; quá trình triển khai giảng dạy ổn định, theo đúng định hướng và lộ trình đưa ra”.

Thực hiện chương trình mới, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhà trường đã phân công cho giáo viên chủ nhiệm, bộ môn, đoàn thanh niên phối hợp cùng xây dựng kế hoạch giảng dạy chi tiết cho từng tuần; theo từng chủ đề trong tài liệu sách giáo khoa. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chuyên môn hướng dẫn thầy cô thực hiện sao cho hiệu quả và đạt được mục tiêu chương trình đề ra.

Sau một tuần học, chúng tôi đã hỏi ý kiến học sinh xem có nguyện vọng thay đổi tổ hợp không? Tuy nhiên, số lượng thay đổi rất ít. Đối với những em có nguyện vọng thay đổi, chúng tôi sẽ cử giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu hồ sơ để biết được thế mạnh sau đó làm công tác tư vấn, phân tích nhằm hiểu năng lực, thế mạnh của bản thân. Nếu các em kiên định thay đổi, nhà trường vẫn tạo điều kiện. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu trong đơn xin thay đổi phải có ý kiến và chữ ký của phụ huynh. - Thầy Lưu Văn Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.