Theo BTC, chương trình hướng đến những biên đạo trẻ với việc khuyến khích những sáng tạo mới mẻ, những hợp tác đa ngành để mang lại những giá trị thẩm mỹ mới cho khán giả. Sự kiện lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng người Việt trong nước hoặc sống ở Đức, Thụy Sỹ hội tụ cùng các biên đạo Pháp, Scottland trên cùng một sân khấu múa quốc tế.
Tham gia “Hanoi Dance Fest 2019”, Huy Trần mang tới “Đa chiều” - một vở múa đương đại có sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với nhiều chiều: Không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu… mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về một vũ đạo.
Tác phẩm “Đáy giếng” của biên đạo múa Vũ Ngọc Khải, đang làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sỹ) kể về hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hóa và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.
Đam mê hiphop và từng có 16 năm theo đuổi nghiệp múa, nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp hiphop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Tác phẩm “Thán” được Nguyễn Duy Thành lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng với những cách điệu từ chính ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Với “Vòng lặp”, Xuân Lê giới thiệu tới khán giả Thủ đô tác phẩm mang phong cách tối giản khi đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ được tái hiện trên sân khấu một cách ấn tượng…
Ngoài ra, khán giả sẽ có thêm trải nghiệm khi thưởng thức tác phẩm “FeMale” của biên đạo James Sutherland (Scotland). “FeMale” là câu chuyện về những mối quan hệ bất thường, sự việc, hiện tượng tưởng chừng như “lệch chuẩn” nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng lại thuyết phục khi được soi chiếu vào sâu bản chất bên trong.