Hành vi mua bán, nuôi, truyền bá búp bê KumanThong có thể bị phạt tù

GD&TĐ - Liên quan đến hành vi mua bán, nuôi, truyền bá Kumanthong, luật sư cho biết theo quy định về “tội hành nghề mê tín, dị đoan” có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm...

Các búp bê nghi Kumathong bị thu giữ. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.
Các búp bê nghi Kumathong bị thu giữ. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Ngày 5/4, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm Công an quận Cái Răng tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính là nhà ở, cũng là nơi kinh doanh mặt hàng búp bê của Thái Thị Yến Nhi (sinh năm 1997, ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ) tại số P328 khu Chung cư Hưng Phú lô A.

Qua khám xét, lực lượng Công an quận phát hiện 71 búp bê Kumanthong để trong thùng giấy. Quá trình kiểm tra, Thái Thị Yến Nhi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Công an quận đã tạm giữ toàn bộ số búp bê nghi KumanThong, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin đăng tải từ Cổng thông tin điện tử Quận Long Biên - Thành phố Hà Nội cho biết, KumanThong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, “Kuman” có nghĩa là “Cậu bé thanh tịnh” (hay “Kumara” là “Cô bé thanh tịnh”), “Thong” nghĩa là “vàng” ; “KumanThong” nghĩa là “Cậu bé vàng” hay còn gọi là “Quỷ linh nhi”.

Theo các tu sỹ Phật giáo Thái Lan, ban đầu “Búp bê KumanThong” được tạo ra với mục đích là giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Các nhà sư cho rằng, khi đứa trẻ chết đi, thân xác phân hủy nhưng linh hồn của chúng còn tồn tại và cần nơi trú ngụ, do vật các nhà sư (hoặc thầy bùa) sẽ lấy một bộ phận trên xác chết hài nhi (tóc, móng tay, chân, xương…) để tạo thành bùa, sau đó yểm vào một vật cụ thể như búp bê.

Búp bê này sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của đứa trẻ bị chết, được đặt trong nhà và được chăm sóc như một đứa trẻ, được nghe Kinh Phật để tạo nghiệp lành, xóa bỏ nghiệp dữ trong quá khứ, qua đó, chúng sẽ được tái sinh vào nơi tốt hơn.

Búp bê KumanThong không được coi là một phần trong Phật giáo chính thống, nhưng nó phổ biến ở Thái Lan từ thời cổ đại. Cùng với sự tuyên truyền về khả năng siêu nhiên của búp bê, các pháp sư, đạo sỹ đã “biến tướng” và sử dụng nguyên một thai nhi mang sấy khô rồi tạo ra “Búp bê KumanThong” nhằm làm tăng giá trị cũng như tính thần bí của loại búp bê này.

Theo các bản chép tay của người Thái từ hàng năm trước, KumanThong được tạo ra bằng cách lấy bào thai khỏi xác của người mẹ, sau đó thầy phù thủy đưa đến nghĩa trang để tiến hành nghi lễ gọi hồn KumanThong. Kết thúc nghi lễ gọi hồn, bào thai được sấy trên lửa cho đến khi khô lại, được sơn một lớp Ya Lak (một loại sơn mài được sử dụng làm bùa hộ mệnh) và Takrut (hỗn hợp trộn với vàng lá).

Cuối cùng là bọc bào thai vào trong vàng lá để hình thành một KumanThong. Ngoài ra, còn có cách khác để làm KumanThong là bào thai được ngâm vào trong Nam Man Phrai (một loại dầu chiết xuất bằng cách đốt mộn ngọn nến gần cằm của một đứa trẻ đã chết hoặc một người đã chết một cách bất bình thường), tuy nhiên, cách làm này ít phổ biến hơn vì là hành vi bất hợp pháp.

Hiện nay, để làm một búp bê KumanThong, người ta phải tìm những phụ nữ đang mang thai đã chết không quá 21 ngày để lấy bào thai và tiến hành các công đoạn nói trên. Nhu cầu này dẫn đến một hệ lụy là ở Thái Lan, nhiều bệnh viện liên tục bị đánh cắp thai nhi sinh non, mộ các bà mẹ đang mang thai cũng thường xuyên bị trộm…

Vì vậy, pháp luật Thái Lan nghiêm cấm việc chế tạo và sử dụng búp bê KumanThong, song những đồn thổi không ngừng về quyền năng siêu phàm khiến cho nó vẫn là một thứ hàng phi pháp đắt giá, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy vào chất liệu, hình dáng và “năng lực” của mỗi loại.

Người thờ búp bê KumanThong chủ yếu là giới kinh doanh, buôn bán với nhiều mục đíc như: tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt); kính ái (tạo tình cảm); tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm, mách bảo trước những chuyện nguy hiểm…); hàng phục (phá phách đối thủ); câu triệu (gọi người đi xa)…

Số búp bê KumanThong thu giữ tại nơi ở của Thái Thị Yến Nhi. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.
Số búp bê KumanThong thu giữ tại nơi ở của Thái Thị Yến Nhi. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

Hiện trên mạng xã hội rất nhiều hội, nhóm kín được lập ra chuyên trao đổi, mua bán và chăm sóc “búp bê KumanThong”. Mỗi búp bê Kumanthong được rao bán với giá từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Liên quan xung quanh vấn đề mua bán, nuôi, truyền bá KumanThong, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo luật sư, việc nuôi, buôn bán búp bê KumanThong, nếu xác định búp bê được chế tạo từ bộ phận cơ thể người thì Bộ Luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) tại Điều 154 quy định “tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người":

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Đồng thời hành vi này cũng vi phạm Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “tội hành nghề mê tín, dị đoan”.

Theo quy định tại Điều 320 thì "người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Luật sư Phan Anh cho biết thêm, ngoài ra khi xử lý hành vi vi phạm, tùy vào hình thức, hành vi, mức độ vi phạm, cần phải áp dụng một số văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến lấy xác năm 2006 có Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: “Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại”.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, trong đó quy định xử phạt về hành vi yểm bùa, phù chú để trục lợi ; hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Luật Đầu tư năm 2014 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, trẻ em, bào thai.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo  quy định tại Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể: “Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự của người khác”, “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Đánh giá về việc nuôi búp bê KumanThong tại Việt Nam, luật sư Phan Anh cho hay, búp bê KumanThong là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam; làm tổn hại kinh tế và nảy sinh tâm lý hoang mang, tin theo bùa phép.

Theo quan điểm của luật sư Phan Anh, nếu việc sản xuất, buôn bán, sử dụng hiện tượng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội như: gia tăng các hoạt động mua, bán thi thể thai nhi, các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.