Những ngày qua tại một số địa phương xảy ra hiện tượng đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, dán thông báo “hết xăng”, “hết xăng, đang chờ nhập hàng”, “hết xăng, mong quý khách thông cảm”... Thậm chí, nhiều người phải dắt bộ đoạn xa vì không có xăng để đổ, nhiều người phải đi 3 - 4 cửa hàng xăng dầu mới có thể đổ đầy bình. Nguyên nhân một phần do không đảm bảo nguồn cung, nhân lực phục vụ, khi được kiểm tra thì có cửa hàng hết dầu, còn xăng hoặc hết xăng, còn dầu, song cũng có nơi có dấu hiệu “găm hàng” chờ tăng giá. Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo quy định của pháp luật thì xăng, dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá (điểm a khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 ).
Do đó, nếu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng không bán hoặc bán nhỏ giọt để tạo ra sự khan hiếm sẽ thu lợi nhiều thì hành vi này sẽ bị phạt hành chính với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau (Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP):
Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Một cây xăng ở TP Thủ Dầu Một thông báo hết xăng vào chiều ngày 3/10. Ảnh: Thảo Nguyễn. |
Luật sư Thường phân tích thêm, ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng nhà nước kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình có hành vi găm xăng dầu không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng (khoản 23 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Và xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, tước bỏ giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi đầu cơ xăng dầu để thu lợi bất chính thì có thể bị phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng (khoản 22 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá bình ổn giá thì hành vi cố tình găm hàng tạo ra sự khan hiếm trên thị trường để thu lợi bất chính sẽ có thể bị xử tội hình sự về “Tội đầu cơ”. Khái niệm đầu cơ được hiểu là người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.
Mức xử phạt tù thì tuỳ theo số tiền thu lợi bất chính có thể đối diện với mức phạt tù đến 15 năm và bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng đối với cá nhân, còn đối với pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng và sẽ bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm (Điều 196 BLHS 2015).
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cửa hàng xăng dầu đóng cửa, chiều 10/10, Sở Công thương TPHCM đã họp để thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo lãnh đạo sở này, qua rà soát sơ bộ trên địa bàn TP, ghi nhận ngày 9/10 có 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, vẫn mở cửa bán mặt hàng dầu bình thường. Một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức 30.000 - 50.000 đồng/xe máy hoặc duy trì 1 - 2 trạm bơm do không có hàng để bán. Ngoài ra còn ghi nhận tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã tạm ngừng hoạt động. Một nguyên nhân khác, kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời, đặc biệt là vào thời điểm giờ cao điểm do phương tiện vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong giờ cao điểm.
Theo Sở Công thương TPHCM, theo quy định, cửa hàng xăng dầu nào đóng cửa phải có ý kiến chấp thuận của Sở, nếu không Sở sẽ xem xét, xử lý đơn vị vi phạm. Đặc biệt, những trường hợp cửa hàng có xăng dầu nhưng cố tình găm hàng hay bán nhỏ giọt chờ giá tăng thì lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện sẽ xử phạt theo quy định. Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng cho hay, sẽ yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.