Dưới góc nhìn của nhiều học giả, nhà văn, nhà tâm lý, hot Facebooker… việc làm mới một truyền thuyết vốn “nằm trong dân” này là việc cần phải làm để mang đến cho học sinh một kênh tiếp cận và yêu thích Văn hóa dân gian.
Một truyền thuyết “nằm trong dân”
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, mọi dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình và đây chính là nhân tố cần thiết để gắn kết đồng loại. Vì thế, “Con Rồng Cháu Tiên” cũng chính là chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm vì câu chuyện lý giải chúng ta là ai, cái gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì.
Bắt nguồn là một truyền thuyết “nằm trong dân”, câu chuyện đã thực sự đi vào bộ “Đại Việt Sử Kí Toàn Thư”. Trong tất cả câu chuyện, Con Rồng Cháu Tiên cũng chính là câu chuyện đầu tiên cho sự khởi đầu của dân tộc Việt Nam với những giá trị cội nguồn cốt lõi.
Chính vì thế, Con Rồng Cháu Tiên không đơn thuần chỉ là câu chuyện trong truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đó còn là câu chuyện về lòng tin, về niềm tự hào cùng chung một dòng máu Rồng Lạc, cùng gọi nhau một tiếng “đồng bào” thân thương.
Thế nhưng, với ngần ấy ý nghĩa, câu chuyện “Con Rồng Cháu Tiên” vẫn chưa “chạm” được vào bao thế hệ ngày nay và vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học. Đó thật sự là câu hỏi lớn khiến chúng ta phải suy nghĩ và trăn trở khi những mầm non tương lai đang dần thờ ơ với chính cội nguồn và những giá trị lịch sử của dân tộc mình”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Giáo Sư Cù Trọng Xoay cũng chia sẻ: “Một phân tích của tác giả Yuval Noah Harari trong cuốn “Sapiens – Lược sử về loài người”, ông cho rằng ở loài người chúng ta, nếu chỉ dựa trên những mối quan hệ thân tình, quan hệ huyết thống hoặc bạn bè thân thiết thường xuyên buôn chuyện thì chỉ duy trì được sự gắn kết của một cộng đồng khoảng 150 người.
Để gắn kết những cộng đồng có số lượng thành viên lớn hơn lên tới cả ngàn cả triệu thì người ta phải cần đến một thứ mạnh hơn, đó là niềm tin vào những “Huyền thoại chung”. Với người dân nước Việt mình, Truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” là một huyền thoại chung như thế”.
Nói về lòng tự hào dân tộc qua câu chuyện này đối với con trẻ, nhà văn Trang Hạ cho biết: “Sự kiêu hãnh của một tấm áo đẹp khoác lên người chỉ tốn đúng bằng tiền mua nó.
Nhưng sự kiêu hãnh về bản lĩnh văn hóa, hiểu rõ giá trị cuộc sống, kiêu hãnh vì trân trọng những giá trị dân tộc và lịch sử, tìm kiếm câu trả lời từ trong quá khứ và tri thức, mới là một sự kiêu hãnh không nhà giàu nào mua được.
Sự kiêu hãnh làm một người Việt Nam không đơn giản chỉ là vì đã được mẹ đẻ ra ở đây, còn là hiểu rõ những lý do chúng ta tin cậy vào quá khứ của bố mẹ ông bà.
Sẽ thật thú vị khi giới trẻ chúng ta kể lại truyền thuyết này theo cách của riêng mình, bằng hình thức độc đáo và thú vị, để đóng góp màu sắc của thời hiện đại vào truyền thuyết của người xưa”.
Để truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” sống động hơn
Nhịp sống hối hả, bố mẹ càng bận rộn, công nghệ lên ngôi càng tạo khoảng cách giữa trẻ với văn hóa dân gian, làm cho trẻ ít được nghe kể, giảm hào hứng dần với những nhân vật từng là biểu tượng tuổi thơ của cả một thế hệ. Không những thế, trẻ em hiện đại ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với các ấn phẩm truyện tranh, phim hoạt hình nước ngoài màu sắc bắt mắt, minh họa đẹp.
Không quá khó hiểu khi các bé có thể kể vanh vách những vị thần Hy Lạp nhưng với Con Rồng Cháu Tiên, các em lại có những hiểu biết mơ hồ về câu chuyện. Như MC Minh Trang có chia sẻ:
“Chẳng tìm nổi một cuốn sách tranh nào về sự tích Con Rồng Cháu Tiên với phần lời kể và minh họa phù hợp và hấp dẫn với lứa tuổi mầm non như Daisy – Bánh Mì cả. Trong khi tầm này bạn nào cũng thuộc làu làu những truyện cổ Grim, Andersen, hay những câu chuyện dân gian nổi tiếng của các nước trên thế giới…”.
Không chỉ là trẻ em Việt mà thậm chí người lớn chúng ta cũng đang hiểu mơ hồ với câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên. Chia sẻ về điều này, trong bài phỏng vấn gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có đôi điều nhắn nhủ:
“Theo tôi chúng ta không nên trách họ. Mà nên trách chúng ta, những người có trách nhiệm phải làm mọi người cùng chung suy nghĩ. Trong bối cảnh nhiều thay đổi, việc lựa chọn của các thế hệ trẻ chỉ nên xem là sản phẩm của thời đại”.
Nhà báo Thu Hà |
Ngày nay, giữa muôn ngàn ấn phẩm giải trí hiện đại, phim hoạt hình nước ngoài hoành tráng, liệu có còn chỗ đứng cho câu chuyện truyền thuyết về nguồn cội dân tộc này?
Thực tế cho thấy, dù là câu chuyện đầu tiên khởi nguồn cho dân tộc Việt, Con Rồng Cháu Tiên được lưu hành và giáo dục cho trẻ vẫn chỉ là một văn bản ngắn gọn, đơn giản chỉ vỏn vẹn vài trăm từ, dường như thiếu sức sống và sự hấp dẫn cần thiết. Chính vì thế, khó có thể trách những thế hệ hiện tại khi đang ngày càng thờ ơ với câu chuyện truyền thuyết của dân tộc.
Việc mang “Con Rồng Cháu Tiên” trở về đúng vị trí của mình trong kho tàng văn hóa dân gian đòi hỏi câu chuyện cần được làm mới hơn, truyền tải bằng nhiều hình thức sáng tạo hơn chỉ là những con chữ trong trang giấy trắng đơn thuần như nhà báo Thu Hà có chia sẻ:
“Tôi tin, nếu câu chuyện con Rồng cháu Tiên, câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ được làm tử tế và hấp dẫn, thì đó sẽ là cách giáo dục hay hơn nhiều những tiết đạo đức hay giáo dục công dân khô cứng”.
Thật vậy, thử nhìn xem những câu chuyện dân gian đã từng được sáng tạo để trở nên gần gũi với chúng ta thế nào qua những vở kịch, những bộ phim như Tấm Cám, Sơn Tinh – Thủy Tinh,… Đó là khi truyện kể khô khan được thể hiện dưới góc nhìn sáng tạo khác của người trẻ.
Con Rồng Cháu Tiên cũng cần có những đổi mới như vậy, cần lồng ghép những yếu tố truyền thuyết, lịch sử vào những suy nghĩ sáng tạo của người trẻ, để làm sao người xưa nói, mà người nay nghe vẫn hiểu, khi ấy, Con Rồng Cháu Tiên mới tìm được vị thế xứng đáng của mình trong kho tàng văn hóa dân tộc, để trẻ hiểu hơn về cội nguồn và cảm thấy tự hào mình là con Rồng cháu Tiên.
“Con Rồng Cháu Tiên là truyền thuyết của những truyền thuyết, nên xứng đáng để được đầu tư, được khôi phục lại bằng những hình thức hiện đại như phim, ảnh, hoạt hình... để tất cả khi nghe xong đều cảm thấy tự hào, đều thêm yêu người Việt. Sẽ thật thú vị khi giới trẻ chúng ta kể lại truyền thuyết này theo cách của riêng mình, bằng hình thức độc đáo và thú vị, để đóng góp màu sắc của thời hiện đại vào truyền thuyết của người xưa”. Tiến sĩ lý học – Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nêu quan điểm.