Hành trình trốn chạy của những thanh niên bị lừa bán sang Campuchia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã đưa 7 người dân bị lừa đảo, dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” trở về quê nhà an toàn. Nhưng những gia đình nghèo vẫn không hết lo lắng bởi khoản nợ hàng trăm triệu đồng dùng để “chuộc người”.

Puih Thái (áo đen) và Puih Phú (áo trắng) may mắn trốn thoát trở về nhà.
Puih Thái (áo đen) và Puih Phú (áo trắng) may mắn trốn thoát trở về nhà.

Ngày trở về

Ngày 7/7, tại đồn Biên phòng Ia O (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai), lực lượng chức năng đã đưa 5 công dân làng Kloong bị lừa đảo sang Campuchia làm việc về và bàn giao cho gia đình an toàn.

5 công dân gồm: Puih Đại (24 tuổi), Puih Môi (18 tuổi), Ksor Jối (18 tuổi), Puih Chiêu (19 tuổi), Ksor Gum (23 tuổi). Trước đó, lực lượng Biên phòng đã giải cứu anh Puih Thái (28 tuổi) và Puih Phú (16 tuổi). Đây là 7 nạn nhân ở xã Ia O bị Trần Quang Quyết (21 tuổi, ngụ xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) dụ dỗ sang Campuchia làm việc.

Nhớ lại quãng thời gian bị đưa qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, Puih Thái nói, vào khoảng giữa tháng 6 anh được người đàn ông tên S. trong làng hứa hẹn tìm việc làm tại TPHCM với mức lương từ 18 - 20 triệu/tháng. Cuộc sống khó khăn, cả nhà chật vật mãi mới lo đủ cái ăn nên Puih Thái quyết định đến vùng đất xa lạ để làm việc, kiếm tiền lo toan cho gia đình.

Vào ngày 19/6, Thái và một thanh niên trong làng được người đàn ông tên S. bắt xe xuống TP Hồ Chí Minh. Khi đến bến xe cả hai được đón và đưa đến nhà nghỉ. Tuy nhiên, đến chiều 20/6, Thái được đưa lên ô tô chở đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Khuya cùng ngày thì cả hai được đưa sang biên giới Campuchia.

“Khi đến Campuchia tôi gặp 5 thanh niên cùng làng đã qua bên đây từ trước. Trong đó có người em trai ruột là Puih Đại. Mọi người được cho ở chung trong một khu có nhiều dãy nhà cao tầng. Xung quanh được rào kín và có bảo vệ canh gác 24/24. Tại khu này do người Trung Quốc làm chủ, người Việt Nam quản lý, người Campuchia làm bảo vệ”, anh Puih Thái nói.

Anh Puih Thái được người trong công ty sắp xếp làm công việc trên máy tính, nhưng do chưa bao giờ sử dụng nên anh xin nghỉ. Lúc này công ty bắt anh bồi thường 90 triệu đồng tiền xe, tiền ăn và tiền mua anh tại biên giới.

Sau 2 ngày liên hệ với gia đình nhưng chưa thấy tiền chuyển về tài khoản, Puih Thái cho hay họ đã đánh, chửi mắng anh. Đến khi gia đình Puih Thái vay mượn tiền và gửi 90 triệu đồng theo yêu cầu của người trong công ty thì anh được thả về.

Còn Puih Phú cho biết, khi được đưa sang Campuchia anh phải làm việc từ 9 giờ sáng tới 22 giờ đêm. Thời gian làm việc nhiều, quá sức, anh Puih Phú muốn nghỉ thì buộc gia đình phải gửi 100 triệu đồng để “chuộc”.

Puih Phú kể, lợi dụng trời khuya anh cùng hàng chục người khác uy hiếp bảo vệ rồi bỏ trốn. Khi ra được khỏi nơi giam giữ cả nhóm chia thành từng tốp nhỏ.

“Nhóm tôi có khoảng 9 nguời, đi theo định vị hướng về Việt Nam. Đến khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi gặp người dân Việt Nam sinh sống ở Campuchia nên nhờ họ giúp đỡ, gọi xe để đưa về. Tôi không dám tin và đi làm bằng hình thức này thêm một lần nào nữa”, Puih Phú nói.

Khởi tố vụ án

Mặc dù các con được trở về nhà an toàn nhưng bà Puih Phyăn (mẹ Puih Thái và Puih Đại) không khỏi lo lắng về khoản nợ “chuộc người”.

Mặc dù các con được trở về nhà an toàn nhưng bà Puih Phyăn (mẹ Puih Thái và Puih Đại) không khỏi lo lắng về khoản nợ “chuộc người”.

Liên quan đến vụ việc trên, Đồn Biên phòng Ia O - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi mua bán người.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cũng đã di lý Trần Quang Quyết từ đồn Biên phòng Ia O về TP Pleiku và ban giao lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Theo kết quả điều tra ban đầu, đầu năm 2022, Quyết vào TP Hồ Chí Minh làm thuê rồi bị lừa sang Campuchia làm việc trong công ty. Tháng 6/2022, không đáp ứng được công việc, Quyết nợ công ty hơn 100 triệu đồng. Khi đó, 2 người gốc Việt tại đây gợi ý cho Quyết tìm và đưa người trong nước sang Campuchia, nếu trót lọt sẽ được trả khoảng 700 USD/ người.

Lúc này, Quyết liên lạc và mời 7 thanh thiếu niên làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai) vào tỉnh Tây Ninh làm việc, với mức lương tháng từ 18 đến 20 triệu đồng. Quyết đón nhóm thanh niên rồi dẫn về huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Tại đây, Quyết cùng vài người khác đưa 7 người này vượt biên trái phép sang Campuchia.

Trước thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho rằng, hình thức tuyển lao động ra nước ngoài làm việc thực chất là lừa đảo, giữ người trái phép.

Thông qua hợp đồng những người này giao chỉ tiêu, ép nạn nhân đi lừa đảo người khác. Khi không đạt chỉ tiêu thì ép nạn nhân nộp phạt khoảng 1.000 USD. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói.

Đơn vị này khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Khi công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.