Cứu con bị lừa sang Campuchia: Bán trâu vẫn không đủ tiền chuộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Đang làm việc tại Bình Dương, hai thanh niên vùng cao Quảng Trị theo lời dụ dỗ vào lao động ở TP Hồ Chí Minh, với mức lương cao. Nhưng, không ngờ cả hai đã bị lừa sang Campuchia, muốn về phải nộp hơn 100 triệu đồng để “chuộc”.

Để có tiền chuộc con, anh Ray phải bán trâu, người thân cũng vay mượn khắp nơi.
Để có tiền chuộc con, anh Ray phải bán trâu, người thân cũng vay mượn khắp nơi.

Thấp thỏm ngóng tin con

Những ngày qua, anh Hồ Văn Hồng (SN 1982) cùng vợ là Hồ Thị Hậu (SN 1984, trú ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đứng ngồi không yên vì con trai bị các đối tượng lừa sang Campuchia, chưa biết ngày trở về. Mỗi ngày, anh Hồng đều nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại, mong ngóng con trai gọi về, nhưng càng vô vọng.

Theo anh Hồng, đây là lần đầu tiên con trai H.V.H. (SN 2004) rời bản làng vào phía Nam lao động kiếm sống. Nhưng chưa giúp gì được gia đình đã rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Anh Hồ Văn Hồng kể: Vào tháng 3/2022, cháu H. lên đường vào Nam rồi xin làm việc tại một siêu thị ở Bình Dương. Sau đó, con trai anh Hồng và thanh niên tên là H.V.T (cùng trú thôn Ly Tôn, xã Tà Long) quen với một người khác trên mạng xã hội.

Người này dụ dỗ H. và T. vào TP Hồ Chí Minh làm việc với mức lương cao. Khi vào đến TP Hồ Chí Minh, cả 2 được một phương tiện chở đi. Nhưng sau đó, 2 thanh niên đều bàng hoàng vì đã bị đưa đến Campuchia.

“Cuối tháng 5/2022, cháu H. gọi về cho tôi qua mạng xã hội, nói đã bị lừa sang Campuchia. Nếu muốn về phải nộp tiền để chuộc, không sẽ bị đánh đập, thậm chí dọa giết.

Ban đầu, các đối tượng đòi nộp 60 triệu đồng, rồi tăng lên 85 triệu, sau cùng yêu cầu 90 triệu đồng. Lo lắng cho con, vợ chồng tôi đi vay mượn khắp nơi rồi nhờ cháu làm việc ở TP Hồ Chí Minh chuyển tiền theo số tài khoản được yêu cầu”, anh Hồng kể lại.

Cũng theo lời anh Hồng, sau khi gia đình chuyển đủ 90 triệu vào số tài khoản do đối tượng yêu cầu, H. và thanh niên cùng thôn được đưa đến một khu vực khác. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn chưa để 2 thanh niên trở về mà yêu cầu tiếp tục làm việc.

“Vài ngày sau, cháu H. gọi về thông báo gia đình phải nộp thêm 30 triệu đồng, nếu không họ sẽ không cho về. Gia đình tôi chủ yếu làm nương rẫy, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bây giờ không có điều kiện để xoay xở, vay mượn ở đâu được nữa”, anh Hồng bất lực.

Cha bán trâu vẫn không đủ tiền chuộc con

Cách nhà anh Hồng vài cây số, gia đình anh Hồ Văn Ray (SN 1982) cũng như “ngồi trên đống lửa”, ngóng tin con từng giờ, từng phút. Con trai của anh Ray là cháu H.V.T., cũng bị các đối tượng xấu lừa sang Campuchia như cháu H. Gia đình anh Ray có 7 người con, cháu T. là anh đầu.

Kể từ ngày cháu T. bị lừa sang Campuchia, mọi sinh hoạt trong gia đình anh Ray bị đảo lộn. Trước đó, cháu T. cũng liên lạc về gia đình nói phải gửi tiền sang chuộc, nếu muốn trở về.

Anh Hồ Văn Rư (cậu của cháu T.) ở sát nhà anh Ray cho biết: “Sau học đến lớp 11, cháu T. nghỉ học, rồi vào Bình Dương lao động giúp đỡ gia đình. Làm được một thời gian, cháu T. có gửi tiền về cho mẹ được 2 lần, mỗi lần hơn 1 triệu đồng. Gia đình chưa kịp vui mừng thì cháu nghe theo bạn đi kiếm việc làm khác, rồi không hiểu sao bị đưa sang Campuchia”.

Khi qua Campuchia, T. gọi về nhà thông qua mạng xã hội, thông tin rằng muốn về nhà thì phải nộp 85 triệu đồng tiền chuộc, rồi số tiền tăng lên 100 triệu đồng. Các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền trước ngày 11/6.

Gia đình anh Ray không có tiền, nhưng trước lời đe dọa nếu không nộp đủ T. sẽ bị bán sang nơi khác, gia đình anh Ray đành bán tài sản duy nhất là 2 con trâu với giá 35 triệu đồng để gửi tiền sang chuộc con.

Thương cháu, 2 người cậu ruột của T. cũng đi vay khắp nơi thêm 25 triệu đồng. Bà con ở trong bản cũng xúm lại giúp gia đình. Sau khi gom đủ 90 triệu đồng, vào ngày 11/6, anh Ray nhờ đứa cháu gửi sang Campuchia bằng số tài khoản mà T. gửi về.

Mặc dù gia đình đã nộp đủ tiền theo yêu cầu, nhưng T. chưa được thả về. Các đối tượng đưa T. và H. đến khu vực gần biên giới, thay đổi địa điểm làm việc. Tiếp đó, các đối tượng ra điều kiện, gia đình T. phải nộp thêm 30 triệu đồng thì mới thả về.

Theo đơn trình báo của 2 gia đình gửi Công an huyện Đakrông, ngày 10/3/2022, T. và H. vào Bình Dương làm việc tại một siêu thị. Đến ngày 22/5, cả hai theo lời dụ dỗ của một tài khoản Zalo có tên “Phan Anh” vào làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh với mức lương cao. Khi lên xe được chỉ định để đến nơi làm việc, thì cả hai không biết gì nữa, rồi đặt chân đến đất Campuchia.

Đến ngày 26/5, T. và H. gọi điện thoại về, thông báo đã bị lừa sang Campuchia, làm việc tại khu Chinatown building thuộc tỉnh Sihanoukville. Cả hai được hướng dẫn sử dụng máy tính để lừa đảo, song không làm được, nên bị người giám sát đánh đập.

Các đối tượng gợi ý nếu muốn về thì phải bảo gia đình nộp tiền chuộc 85 triệu đồng mỗi người. Đến ngày 10/6, số tiền chuộc tăng lên 100 triệu đồng.

Làm việc với Công an xã Tà Long, anh Hồ Văn Hồng mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xác minh điều tra, hỗ trợ gia đình “giải cứu” con trai mình.

Thượng tá Trần Vĩnh Phong – Phó Trưởng Công an huyện Đakrông cho biết, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo về tội phạm, do không thuộc thẩm quyền nên Công an huyện Đakrông đã báo cáo nhanh cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, Công an huyện Đakrông đã chuyển tin báo cho Công an tỉnh Bình Dương để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

“Vụ việc xảy ra ngoài địa bàn, nên chúng tôi phải chuyển tin báo theo đúng quy định. Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Đakrông đã hướng dẫn cho công an các xã tổ chức tuyên truyền cho người dân để phòng ngừa, tránh nghe theo lời kẻ xấu”, Thượng tá Trần Vĩnh Phong cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.