Hành trình trở thành thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Trung của nữ sinh xứ Nghệ

GD&TĐ - Ban đầu tiếng Trung không phải ngôn ngữ Nguyễn Thị Việt An lựa chọn nhưng nhờ sự truyền cảm hứng của thần tượng, An quyết tâm theo đuổi ngôn ngữ này

Nguyễn Thị Việt An thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Ảnh NVCC.
Nguyễn Thị Việt An thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Ảnh NVCC.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Nguyễn Thị Việt An cựu học sinh Trường THPT DTNT Nghệ An đạt số điểm 27,89 điểm, trở thành thủ khoa khối D78 (Ngữ Văn 9 điểm, Tiếng Anh 9,4; Tổ hợp khoa học xã hội 9.08) ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng.

Bí kíp chinh phục ngôn ngữ thứ 2

Trò chuyện cùng cô gái xứ Nghệ nhỏ nhắn về bí quyết học tiếng Trung, Việt An chia sẻ rằng tiếng Trung không phải môn học trong trường giảng dạy mà em phải theo học trung tâm bên ngoài kết hợp tự học.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, những người học tiếng Trung xuất phát muộn như em phải thật kiên trì, chăm chỉ và tập trung cao độ mới có thể lĩnh hội được kiến thức cũng như tạo hứng trong quá trình học thì mới không chán nản, học hiệu quả.

Theo Việt An, học tiếng Trung, giao tiếp là chìa khóa để thành thạo ngôn ngữ. Do đó quá trình học, nữ thủ khoa chủ động tìm kiếm cơ hội để được giao tiếp thông qua các ứng dụng trò chuyện, kết nối với người Trung Quốc nhằm cải thiện phát âm; mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình lĩnh hội kiến thức.

Ngoài học ở trung tâm mỗi ngày, Việt An dành cho môn học này một ngày chỉ từ 2-3 tiếng tự học. Nhờ vậy sau gần một năm miệt mài đèn sách, nữ sinh đã đạt trình độ HSK4 (tức tương đương cấp độ B2 có khả năng giao tiếp, nghe đọc hiểu cơ bản tiếng Trung Quốc).

Được hỏi về quá trình học tiếng Trung, An cho biết: “Trường không có môn tiếng Trung khiến em khá áp lực, vì em không được tiếp xúc hằng ngày trên lớp như tiếng Anh.

Bên cạnh đó, em sống ở tỉnh lẻ ít có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với người bản xứ đó cũng là trở ngại cũng như thiệt thòi khiến phát âm của em đôi khi vẫn có chút Việt hóa. Tuy vậy, nữ thủ khoa luôn cố gắng tìm tòi tài liệu, học từ vựng để hình thành thói quen bằng cách xem phim, nghe nhạc, đọc sách báo tiếng Trung".

Được biết, cơ duyên của Việt An đến với tiếng Trung thông qua video của một thần tượng giới thiệu cuộc sống tại Trung Quốc. Từ đó cô nữ sinh xứ Nghệ muốn biết ngôn ngữ để tìm hiểu văn hóa nước bạn.

“Trước đó, mẹ và gia đình em cũng định hướng em học tiếng Trung, nhưng em đã từ chối. Mãi đến đầu năm lớp 12 mới bắt đầu. Bên cạnh đó, em nghĩ có thêm nhiều ngoại ngữ cơ hội việc làm sau này sẽ mở rộng hơn, hướng phát triển của bản thân sẽ nhiều hơn. Học không bao giờ là thừa”, Việt An chia sẻ.

11b282a57cd5c58b9cc4-1651.jpg
Nguyễn Thị Việt An cùng cô chủ nhiệm. Ảnh NVCC.

Quyết tâm đuổi ước mơ do mình chọn

Sinh ra và lớn lên tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, là con út trong gia đình có mẹ là giáo viên, cha làm trong ngành xây dựng và chị gái là bác sỹ. Quá trình học tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, Việt An có cơ hội học tập tốt hơn cũng như được trải nghiệm cuộc sống xa gia đình từ lúc 15 tuổi để sống tập thể cũng như tự lập.

Nhìn lại quá trình học tập tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thị Việt An cho biết: “Em đã học được nhiều kỹ năng sống, biết đối xử hòa đồng với các bạn, biết sắp xếp thời gian cho học tập, cách sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.

Đồng thời, môi trường nội trú cho em nhiều kinh nghiệm quý giá cho việc học đại học hiện tại, từ cách làm powerpoint, thao tác trên máy tính, thuyết trình… khi mới vào lớp 10 giúp em tự tin hơn, thử nhiều điều mới hơn như những chuyến đi thực tế do trường tổ chức”.

Khi biết mình là thủ khoa đầu vào của ngành Ngôn ngữ Trung, Trường ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng, An đã không giấu được niềm vui cũng như bất ngờ.

“Cảm xúc này giống như cảm xúc của ba năm trước được tái diễn khi thi tuyển sinh vào lớp 10 em là Á khoa đầu vào của Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An và cũng được nhận học bổng”, An trải lòng.

Mặc dù chuẩn bị hành trang khá vững chắc cho hành trình chinh phục ước mơ nhưng ngày mới đầu bước vào môi trường đại học, Việt An cũng như các bạn của mình không khỏi bỡ ngỡ với nhiều môn học mới.

Để bản thân không bị động, áp lực do thay đổi môi trường, nữ thủ khoa đã tự nghiên cứu phương pháp học riêng cho bản thân.

“Ngoài cố gắng duy trì phong độ để học tốt chuyên ngành mình chọn, em sẽ đăng ký hoạt động ở trường, tham gia sự kiện và tham gia câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng mềm, cũng như giúp bản thân tự tin hơn” - An bày tỏ.

Là người đồng hành, theo dõi Việt An trong quá trình học ba năm tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, Việt An là học sinh chăm ngoan, ý thức học tập tốt, trách nhiệm trong các công việc nhà trường, tập thể lớp. Ba năm liền là học sinh giỏi toàn diện đồng thời là Bí thư chi đoàn xuất sắc, được Thành đoàn TP. Vinh tặng giấy khen”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.