Hành trình tìm tri thức ở xã vùng cao hiếu học

GD&TĐ - Nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông (Kon Tum) nhưng người dân xã Măng Bút luôn được biết đến với truyền thống hiếu học qua nhiều thế hệ.

Xã Măng Bút vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân luôn chú trọng việc học của con em mình.
Xã Măng Bút vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân luôn chú trọng việc học của con em mình.

Không thiếu việc làm

Để biết mặt chữ, A Doa (sinh năm 1979, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cùng những đứa trẻ trong làng vượt gần 70km xuống huyện Kon Rẫy học lớp “nhô”. Không muốn trễ học, A Doa và chúng bạn thường đi trước khai giảng 15 ngày. Hành trang đến trường lúc bấy giờ là 30kg gạo với vài con cá suối phơi khô.

Trải áo mưa, chặt cây làm lều ngủ, mất 2 đêm trong rừng cậu học trò A Doa mới đến được lớp. Để đỡ đần cha mẹ, A Doa vừa học vừa đi làm thêm, dù vậy kết quả học tập của cậu học trò luôn đứng tốp đầu của lớp.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, A Doa nhận được học bổng Vừ A Dính với số tiền hỗ trợ là 1,5 triệu đồng. A Doa bảo rằng, đây là số tiền rất lớn và đã hỗ trợ bản thân học tập trong suốt những năm xa nhà.

Cuối năm lớp 9, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên A Doa đành nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Sau đó vài năm, A Doa gặp và bén duyên với cô gái Y Phiết. Họ kết hôn rồi có với nhau 2 người con. Lúc bấy giờ vợ A Doa đang là giáo viên mầm non giảng dạy tại xã.

Dù công việc nương rẫy vất vả, nhưng được vợ động viên A Doa quyết tâm trở lại trường. Khi người con đầu vào mẫu giáo, A Doa cũng trở lại lớp học chữ. Trải qua 6 năm học tập, A Doa cũng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum và quay về giảng dạy tại Trường PTDTBT cấp 1 - 2 Măng Bút 1.

“Làm công việc chân tay tôi thấy rất vất vả nên quyết tâm đi học. Giờ đây trở thành giáo viên đứng trên bục giảng dạy chữ cho học trò tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi cũng thường xuyên kể cho học sinh nghe về những trải nghiệm trên con đường học chữ của mình để các em cố gắng vượt khó. Tôi luôn nhắc nhở và giáo dục học sinh cũng như các con bằng bất cứ cách nào cũng phải học. Bởi cứ học giỏi thì không bao giờ thiếu việc làm”, thầy Doa bộc bạch.

Với truyền thống hiếu học, hai người con của thầy A Doa nhiều năm liền đều là học sinh giỏi. Người con út đang học Trường THCS Măng Đen, còn con đầu là A Định là sinh viên năm nhất Học viện Quân y. Vừa qua, A Định nhận được học bổng toàn phần đi du học ở Australia.

“Mình rất mừng, hạnh phúc và tự hào khi các con đạt thành tích cao trong học tập. Mình hy vọng các con sẽ tiếp tục cố gắng để sau này quay trở về cống hiến, giúp địa phương phát triển và bà con bớt đói nghèo”, thầy A Doa tâm sự.

Vượt 250 cây số để học chữ

Chẳng được thuận lợi như A Doa, 46 năm trước, để có thể học lên lớp 3, ông A Dương (nay đã 60 tuổi) phải vượt hơn 250 km từ xã Măng Bút xuống huyện An Khê (trước kia thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nay là Gia Lai).

Thời điểm đó, ông A Dương đi bộ suốt 4 ngày đêm mới tới được trung tâm thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) với hành trang là túm gạo, ít củ mì và chiếc nồi nấu cơm. Lối đi chỉ là những con đường mòn xuyên rừng, phương tiện chẳng có nên tối đến ông chặt cây, phủ lá rừng để tránh mưa, gió.

Sau một thời gian nghỉ học để đi làm nương rẫy, thầy A Doa quyết tâm đi học trở lại, đến nay đã trở thành giáo viên.

Sau một thời gian nghỉ học để đi làm nương rẫy, thầy A Doa quyết tâm đi học trở lại, đến nay đã trở thành giáo viên.

“Năm 1972, tôi học nhô 1 và 2 tại huyện Kon Rẫy cách nhà gần 70km. Nhà chẳng có xe nên tôi đi bộ, mệt ở đâu thì dừng lại nghỉ, lót bụng bằng cơm nếp. Đường xa, thường xuyên sạt lở nên có khi cả năm mới về thăm gia đình một lần. Học hết lớp 2, không có trường nên mãi tôi chẳng lên được lớp 3. Mong muốn tiếp tục đi học nên năm 1976, khi được 14 tuổi tôi quyết tâm đi An Khê để biết thêm kiến thức”, ông Dương nhớ lại.

Thời gian đầu, ông Dương còn có bạn bè đi học chung. Thế nhưng đường xa, gia đình khó khăn nên các bạn nghỉ dần. Còn ông Dương cũng học hết lớp 5 rồi xin đi nghĩa vụ quân sự do cuộc sống thiếu thốn, đôi chân chẳng thể chinh phục tiếp các quả đồi, ngọn núi.

Xuất ngũ năm 1984, đến năm 1986 ông Dương về làm cán bộ xã. Thế nhưng ý chí và mong muốn học chữ lại thôi thúc ông tiếp tục đến trường. Vừa làm, ông Dương vừa xin học bổ túc để có thêm tri thức.

“Hiếu học trước tiên phải xuất phát từ nhận thức, tinh thần tự giác ham học hỏi của mỗi người. Việc học là vô tận và không giới hạn độ tuổi nên mỗi người phải nuôi dưỡng và rèn luyện. Chính vì vậy, tôi luôn khuyến khích con cháu mình học hỏi ở mọi lúc, mọi nơi và trở thành người có ích cho xã hội”, ông Dương nói.

Nối gót cha, 4/5 người con của ông Dương hiện nay đều cán bộ, giáo viên công tác tại địa phương. Người con đầu Y Đào hiện làm Trạm trưởng trạm y tế xã, con thứ hai A Hải là kiểm lâm địa bàn.

Bên cạnh đó, A Sên là địa chính xã và người con út Y Mon đang làm giáo viên Trường PTDTBT cấp 1 - 2 Măng Bút 1. Không những thế, 9 người cháu của ông Dương cũng đang theo học tại các trường trên địa bàn.

Trên chặng đường 20 năm công tác ở quê nhà, được người dân tín nhiệm ông A Dương lần lượt giữ chức Chủ tịch UBND và Bí thư xã Măng Bút. Để có được lòng tin, sự quý mến của bà con, ông Dương luôn chú trọng, tuyên truyền để người dân quan tâm đến việc học của con em mình.

Sáng sớm, hay chiều tối ông Dương thường xuyên đến nhà vận động, kể về hành trình gian nan đi học chữ của mình để học sinh cố gắng vươn lên trong học tập nhằm phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

“Giờ đây khi người dân, học sinh quan tâm, chú trọng việc học tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Có học, tương lai các em mới xán lạn và thoát khỏi đói nghèo”, ông Dương nói.

Vợ chồng thầy A Doa đưa cậu con trai đầu là A Định (ở giữa) nhập học tại Học viện Quân y.

Vợ chồng thầy A Doa đưa cậu con trai đầu là A Định (ở giữa) nhập học tại Học viện Quân y.

Xua tan sương mù, tìm tri thức

Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết, tổng số học sinh xã Măng Bút là 1.043 học sinh. Trong đó, bậc mầm non 432, tiểu học là 402 và THCS là 299 học sinh. Trong năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 95,27%, trong đó 139 học sinh hoàn thành Tốt trở lên. Đối với bậc THCS trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 học sinh xã Măng Bút đậu tốt nghiệp lớp 9 đạt tỷ lệ 100%. Riêng năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi bậc THCS là 34,1%.

Hàng chục năm về trước, hành trình tìm con chữ với ông A Hương (62 tuổi, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Măng Bút số 2) là những tháng ngày gian truân, vất vả. Dù khó, khổ nhưng ông A Hương luôn quyết tâm để hoàn thành chương trình học và trở thành giáo viên về dạy chữ cho lũ trẻ trong làng.

Không những thế, ông A Hương luôn là tấm gương sáng về việc học và thường xuyên được chính quyền mời đến tuyên truyền cho bà con về tầm quan trọng của tri thức. Từ những câu chuyện thực tế về nghị lực vượt khó đến trường đã thôi thúc lớp trẻ học hỏi, trau dồi kiến thức.

Ông A Hương cho biết, ở xã vùng sâu, vùng xa như Măng Bút chủ yếu là núi rừng và sương mù bao phủ. Bởi thế, nếu không học thì người dân chỉ quanh năm bám làng, nương rẫy chứ không tiếp cận được với sự phát triển của xã hội. Do đó, ông luôn tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ và tạo điều kiện cho con cái đến trường học chữ.

Nhoẻn miệng cười, ông Hương khoe rằng hàng chục học sinh mà ông từng giảng dạy nay đã có công việc làm ổn định hoặc công tác trong các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, 3 người con của ông đang là cán bộ tại địa phương và những người cháu của ông cũng được đi học đủ đầy.

“Không đi học đến nơi đến chốn thì lên nương rẫy làm việc chân tay vất vả lắm. Khi học, làm việc ở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp khi về già có lương hưu thì cuộc sống sẽ đỡ cơ cực hơn. Do đó, tôi luôn mong con cháu, thế hệ trẻ cố gắng học tập để có công việc làm ổn định. Từ đó, sẽ giúp phát triển quê hương, đất nước để cuộc sống mọi người bớt vất vả”, ông Dương nói.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Măng Bút, cho biết, toàn xã có 1.246 hộ với 4.382 nhân khẩu, trong đó 98% là người Xơ Đăng. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ chăm chỉ đi học.

Theo ông Xuân, tinh thần hiếu học của người dân trong xã đã được rèn giũa qua thời gian dài. Mặc dù cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mọi người luôn tạo điều kiện cho con em mình đến trường học chữ.

Chỉ trong 5 năm trở lại đây, hơn 70 học sinh của xã theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Không những vậy, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học và có người đang là cán bộ, nhân viên… công tác trong các cơ quan Nhà nước, trường học… Ông Xuân bảo rằng trong tổng số 23 cán bộ xã thì có tới 16 người sinh ra, lớn lên ở địa phương.

“Hàng năm cứ vào dịp Tết địa phương lại tổ chức gặp mặt, tặng quà cho con em đang học đại học và cao đẳng. Từ đó động viên, khích lệ tinh thần để các em tiếp tục trau dồi kiến thức và học tập. Đồng thời tuyên truyền để thế hệ trẻ tại địa phương noi theo và cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập”, ông Xuân nói.

Còn bà Hoàng Thị Mùi - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kon Plông - cho hay, Măng Bút được mệnh danh là xã hiếu học từ xưa đến nay. Mặc dù, Măng Bút là xã nghèo, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những năm qua, học sinh luôn chăm chỉ đến trường.

Cũng vì học sinh luôn tự giác đến lớp nên giáo viên bớt vất vả trên hành trình vận động các em. Nhờ chăm chỉ học tập nên nhiều người dân ở Măng Bút đã và đang là cán bộ tại địa phương hoặc huyện hay tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ