Hành trình tìm lại mình từ đường đời đầy giông tố của Lương y Khai

Sau những kí ức buồn cho đoạn đường sóng gió bị thi hành án tù vừa qua, giờ đây, người thầy thuốc nổi tiếng lại phải đứng lên tìm lại chính mình.

Hành trình tìm lại mình từ đường đời đầy giông tố của Lương y Khai

Từng là Tổng giám đốc của Tập đoàn y dược lớn nhất nước, là nhân vật nổi tiếng – nguyên mẫu trong bộ phim Đường đời dài 25 tập của đạo diễn Quốc Trọng, cuộc đời Nguyễn Hữu Khai đã dẫn dắt khán giả đến nhiều cung bậc: Khâm phục, thương cảm và có cả trách móc. 

Những tưởng sau khi vượt giông bão, cuộc sống của ông sẽ được nối dài những ngày tháng vinh hoa phú quý thì bất ngờ một “dòng xoáy” đã cuốn phăng tất cả. Giờ đây, người thầy thuốc nổi tiếng lại phải đứng lên tìm lại chính mình.

Ký ức buồn

Lương y Khai: Hành trình tìm lại mình từ đường đời đầy giông tố - Ảnh 1

Ông Khai (người ngoài cùng bên phải) và những người bạn hữu có mặt trong ngày khai trương.

Sáng đầu đông, Hà Nội se se lạnh. Trong bộ quần áo dành cho thầy thuốc, vóc dáng ông Khai gọn hơn rất nhiều so với thời điểm ông còn là Tổng giám đốc Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long. Trải qua nhiều biến cố cuộc đời nhưng ánh mắt và giọng nói của vị lương y này vẫn còn rất tinh anh và hào sảng. Biết PV muốn tìm hiểu về thăng trầm đời mình, ông Khai nói như giãi bày: “Mới khai trương phòng khám nên công việc tương đối bận. Ngoài việc trang bị thêm thiết bị, nguồn thuốc thì tôi vẫn phải trực tiếp xoa bóp, châm cứu cho những người bệnh tìm đến. Cũng may có đám đệ tử (ông thường gọi nhân viên của mình là đệ tử) giúp sức chứ không thì mệt lắm. Giờ có tuổi, sức khỏe cũng kém đi nhiều rồi nên không thể nhanh nhạy như trước nữa”.

Nhớ lại thời điểm mới bị bắt tạm giam để điều tra và sau đó bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Sử dụng trái phép tài sản có hiệu lực pháp luật, ông Khai cho hay: “Nhiều đêm liền, tôi chẳng thể chợp mắt nổi. Bao nhiêu công sức lăn lộn mấy chục năm trên thương trường gây dựng thì giờ đã mất tất cả. Chỉ một thời gian ngắn, tôi rơi vào tình trạng da bọc xương, chân tay yếu ớt không thể lê đi được. Tuy nhiên, biết được suy nghĩ đó, các cán bộ trại giam đã kịp thời động viên, nhờ đó mà tôi đã trở lại sinh hoạt bình thường, cũng như tăng cường luyện tập để lấy lại vóc dáng, sức khỏe”.

Sau khi xét xử, ngày 25/6/2014, ông Nguyễn Hữu Khai được đưa về trại giam Hỏa Lò, thuộc xã Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm thụ án. Sau khi làm thủ tục nhận số giam tại phòng thường trực cũng như các quá trình kiểm tra hành lý, ông Khai được cán bộ trại giam đưa vào phòng giam trong đó có hơn bốn chục can phạm. Ông kể: “Tôi nhập phòng vào cuối giờ chiều, theo quan sát thì lúc đó trong buồng giam có hơn bốn chục can phạm. Buồng giam rộng khoảng 90m2 được chia thành hai ngăn dùng làm nơi sinh hoạt cho các can phạm”.

“Vừa mới đặt chân vào buồng giam, tôi vội bỏ bao quần áo và đồ dùng cá nhân xuống rồi cất lời chào toàn thể anh em. Ngay lập tức đã có người nhận ra tôi rồi nói to: “Ông này là thầy thuốc Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc của Tập đoàn Bảo Long đấy các đại ca””, ông Khai kể.

Vốn là một thầy thuốc nổi tiếng, khi vào Trại tạm giam thụ án, lương y Nguyễn Hữu Khai được điều xuống Trạm y tế của Trại để chạy chữa cho các can phạm, thậm chí là các cán bộ đang điều trị tại đây.

Những tâm tư đẫm nước mắt

Cũng trong buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Hữu Khai đã đưa cho chúng tôi xem một tập thư được chính những can phạm, phạm nhân tại trại giam Hỏa Lò viết trước khi ông được giảm án. Quả thật khi đọc gần 100 trang giấy tạm, được viết vội bằng những con chữ loằng ngoằng, chúng tôi mới thật sự thấu hiểu được tâm tư tình cảm của những can phạm, phạm nhân dành cho ông Nguyễn Hữu Khai. Họ đến với ông bằng một sự chân thật, chan chứa nghĩa tình.

Lương y Khai: Hành trình tìm lại mình từ đường đời đầy giông tố - Ảnh 2

Ông Khai (người đứng giữa) trong ngày được đặc xá.

Xin được trích một đoạn trong lá thư dài hơn 4 trang giấy mà một phạm nhân nữ gửi cho ông Nguyễn Hữu Khai trước ngày ông được đặc xá: “...Bố tôi (những người được ông Khai cứu chữa, giúp đỡ thường gọi ông là thầy, là bố -PV) vào đây nhưng vẫn không ngừng công việc. Bố kê đơn, bắt mạch cho rất nhiều cán bộ trại giam, cũng như không nề hà bất kỳ một công việc gì kể cả những phạm nhân mắc trọng bệnh như ung thư, hoặc nhiễm HIV. Bố không sợ lây mà vẫn vào ân cần, thăm hỏi động viên. Có lần, một phạm nhân rơi vào tình trạng cấm khẩu và nhiều người nhận định người này sẽ chết. Thế nhưng, bằng tài năng của mình, chỉ trong vòng 20 phút, bố đã giúp người này nói được và thoát khỏi lưỡi hái của tử thần...”.

Ngoài những phạm nhân mắc các bệnh như đau xương, đau dạ dày... ông Khai còn trợ giúp, cứu chữa rất tận tình cho phạm nhân nữ “vượt cạn” trong trại giam. Hàng chục trường hợp được ông bày mẹo khi bị mất sữa. “...Cứ nghe thấy tiếng trẻ con khóc ban đêm, bố tôi lại sợ chúng đói nên gửi sữa sang cho chúng. Rồi mỗi lần bố có quà, ông lại mang đi chia cho những cháu nhỏ trong trại. Thời tiết nóng nực mà bố vẫn phải kéo hai bao tải quà đi chia phát cho phạm nhân. Thậm chí đứa con gái mới hai tuổi của tôi còn nói: “Ông Khai ơi, ông kéo một bao thôi không nặng đấy...””– trích trong một lá thư của phạm nhân nữ gửi cho ông Khai.

Với những can phạm, phạm nhân thì là vậy còn với những đứa trẻ đang phải theo mẹ thụ lý trong trại giam, ông Khai cũng được biết đến là người ông đầy nghĩa tình. Một phạm nhân nữ viết gửi cho ông: “Con nhớ nhất ngày sinh nhật hai tuổi của con gái con. Bố đã lấy những hộp nhựa rồi làm cho cháu một cái xe ô tô và một chú tễu. Bố có biết rằng khi con nhận được món quà đó, con đã khóc rất nhiều bởi không thể ngờ được bố bận trăm công ngàn việc, chân tay đau nhức mà vẫn làm được những món quà đó để tặng cho con gái con...”.

Khi PV hỏi về dự định sắp tới, ông Khai cho biết, hiện ông đang dồn sức gây dựng lại Đông Nam dược Bảo Long. “Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/10 vừa qua, tôi đã tiến hành khai trương phòng chẩn trị Bảo Long Đường có địa chỉ tại phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi nhận được nhiều sự giúp sức từ chính những người bạn. Họ là chỗ dựa vững chắc cho tôi sau những ngày đầy sóng gió”, ông phấn khởi chia sẻ.

Tâm sự với PV về việc có dự định gây dựng lại Tập đoàn Đông nam dược Bảo Long bề thế như trước hay không? Ông Khai cho hay: “Trước đây mình còn trẻ, để gây dựng lên Tập đoàn đã phải mất khá nhiều thời gian. Giờ thì già rồi, nên mọi việc nó cũng chậm trễ hơn, không thể linh hoạt như trước nữa. Nhưng nếu còn sức khỏe, cũng như được sự giúp sức, tin tưởng của bạn bè, người thân thì tôi tin chắc mình sẽ làm được. Tôi đã gây hệ lụy quá lớn, làm cho bao người phải phiền lòng, phải khổ lây và chịu những thiệt thòi. Tôi xin thành thực nhận lỗi và quyết dành hết trí lực, tâm huyết để khôi phục, phát triển sự nghiệp của mình”.

Ông Nguyễn Hữu Khai (SN 1952), quê ở xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội. Trước đây, ông học ngành Kiến trúc nhưng chưa kịp tốt nghiệp thì bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc trái phép. Sau 3 năm ngồi tù về tội này, ông Khai về quê và bắt đầu chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được khi ở bên Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1993, ông thành lập công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, đóng tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian dài phát triển với nhiều thăng trầm, công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long đã vươn lên thành Tập đoàn Bảo Long, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, trường võ thuật Bảo Long, trường Trung cấp y dược Bảo Long. Ở khu vực phía Bắc, trụ sở chính của Bảo Long (trước khi xảy ra vụ tranh chấp với Tập đoàn Bảo Sơn) đóng tại xã Cổ Đông, huyện Sơn Tây, Hà Nội. Tháng 6/2013, Nguyễn Hữu Khai bị bắt tạm giam để điều tra và sau đó bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Sử dụng trái phép tài sản có hiệu lực pháp luật. Do cải tạo tốt, ông được xét đặc xá, ra tù trước thời hạn trong dịp Quốc khánh 2/9/2015.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ