Tự nhận mình là 'kẻ điên'
Ngày nắng cũng như ngày mưa, tiết trời oi bức hay khi gió mùa về, không buổi nào anh Tô Văn Hòa vắng mặt trong buổi dạy khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị.
Lịch trình công việc của anh luôn cố định hai buổi sáng thứ 4 và thứ 6 để giảng dạy tại Hội người mù quận Đống Đa.
Anh Hòa bén duyên với lớp học từ một dự án hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người khiếm thị. Sau khi dự án kết thúc, anh nhận được rất nhiều tin nhắn của các học viên mong muốn lớp học được tiếp tục.
Cảm nhận được tình yêu của các học trò dành cho mình và bộ môn khiêu vũ, anh quyết định giảng dạy miễn phí bộ môn này cho đến thời điểm hiện tại.
Lớp học với những học viên đặc biệt của anh Hòa. |
Anh Hòa nhận mình là 'kẻ điên' khi dám vượt qua những lời phản đối của mọi người để duy trì công việc miễn phí.
Thời điểm lớp học '0 đồng' mới được thành lập, một số người cho rằng quyết định của anh là 'bao đồng' khi chính bản thân anh đang gặp một số khó khăn về kinh tế. Nhưng với anh, nếu ai cũng chỉ quanh quẩn trong khó khăn của bản thân mà quên đi giúp đỡ mọi người xung quanh thì sẽ chẳng có những người làm công việc có ích cho xã hội.
“Tôi gọi vui mình là 'kẻ điên', nhưng tôi dám phiêu cùng với cái 'điên' của bản thân để giúp đỡ xã hội bằng khả năng hiện tại của mình” - anh Hòa bộc bạch.
Những người đi trước đã tiếp thêm ngọn lửa để anh theo đuổi công việc. Hành trình của anh được truyền cảm hứng rất nhiều bởi những người sống cống hiến. Anh Hòa cho rằng, bản thân mình may mắn khi được tiếp xúc với những người làm việc thiện, dù không lợi nhuận, không lời tung hô nhưng họ vẫn miệt mài, lặng lẽ tô điểm cho cuộc đời.
Anh nhận ra rằng, dù bản thân không giàu có về tiền bạc, nhưng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều những người khác khi có một cơ thể lành lặn. Và anh tin những bước nhảy sẽ truyền được động lực, niềm tin và hy vọng cho nhiều người.
Người thầy của những niềm vui
Khó khăn lớn nhất của người khiếm thị khi tham gia lớp học là sự hạn chế về tầm nhìn. Với mỗi động tác, anh Hòa phải mô tả và chỉnh sửa chi tiết cho từng học viên. Công sức bỏ ra gấp 2, 3 lần so với việc giảng dạy thông thường nhưng anh không coi đó là khó khăn, rào cản.
Việc thu xếp thời gian và dám thử sức mình trong một lớp học khiêu vũ thể thao là các bạn đã vượt qua được một khó khăn lớn nhất - sự rụt rè. Và nếu các bạn đã nỗ lực đến như vậy thì bản thân anh không có gì do gì để nhụt chí, anh Hòa chia sẻ.
Anh Hòa phải mô tả và chỉnh sửa chi tiết cho từng học viên. |
Mong muốn lớn nhất của anh Hòa là nhìn thấy sự hòa nhập, tự tin và trưởng thành của các bạn học viên. Anh mong rằng mô hình lớp học khiêu vũ cho người khiếm thị có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ ở Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. |
'Tôi mong muốn không chỉ ở Hà Nội mà các bạn khiếm thị ở khắp các tỉnh thành đều có cơ hội biết đến khiêu vũ thể thao và tham gia khiêu vũ thể thao. Đó là cơ hội để rèn luyện sức khỏe, cũng đồng thời giúp các bạn tự tin và hòa nhập với cộng đồng' - anh Hòa chia sẻ. |
Anh Hòa luôn nhận thấy, đằng sau mỗi học viên của mình là một tinh thần không bao giờ bỏ cuộc: 'Điều tuyệt vời ở các bạn khiếm thị là nỗ lực và có ý thức cá nhân mặc dù có sự hạn chế về tầm nhìn'.
Trong mỗi buổi học, anh cố gắng động viên và đem đến cho các học viên nguồn năng lượng tích cực nhất. Đặc biệt, với đặc thù khiêu vũ thể thao là một bộ môn nghệ thuật, tinh thần phải thoải mái thì mới đạt được hiệu quả tốt.
Không chỉ giúp người khiếm thị rèn luyện sức khỏe, anh Hòa còn giúp các bạn học viên có cơ hội thi đấu tại các giải khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị. Nhiều học viên ngày đầu đến lớp còn e dè, ngần ngại, giờ đây đã có thể tự tin khoác lên mình những bộ trang phục biểu diễn, trình diễn ở những sân khấu lớn.
Đã 5 năm trôi qua nhưng với lớp học, anh Hòa vẫn giữ tình cảm vẹn nguyên như ngày đầu. Có cơ hội tham gia vào lớp học, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự vui tươi, đoàn kết và không khí gắn kết.