‘Hành trình khởi nghiệp từ THPT’

GD&TĐ - Đi làm sau tốt nghiệp THPT hay học tiếp là băn khoăn của học sinh tại Tọa đàm ‘Khởi nghiệp và nhu cầu nhân lực trong Cách mạng công nghiệp 4.0’.

Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Có nên đi làm sau tốt nghiệp THPT?
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Có nên đi làm sau tốt nghiệp THPT?

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ của Hội thảo ‘Hành trình khởi nghiệp từ THPT’ diễn ra chiều 10/4, tại Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Hưng Yên tổ chức, được kết nối với 39 trường THPT trên địa bàn tỉnh, với hàng nghìn thầy, cô giáo và học sinh tham dự.

Giải mã băn khoăn

Tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã trao đổi, gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến khởi nghiệp nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, sự khác biệt khi học tập môi trường học tập ở đại học so với trường THPT và một số thông tin về dự báo nguồn nhân lực trong tương lai.

Giải mã băn khoăn trên của học sinh, ông Đỗ Tiến Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên trao đổi, các em cần căn cứ vào điều kiện cá nhân, hoàn cảnh gia đình để đưa ra lựa chọn cho mình.

Theo ông Đỗ Tiến Hùng, nếu được, các em nên tiếp tục theo học ở trình độ cao hơn để có kiến thức, kỹ năng khi lập thân, lập nghiệp. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, tài chính; sau đó tiếp tục đi học để theo đuổi đam mê của mình.

Ông Đỗ Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên giải mã nhiều băn khoăn của học sinh.

Ông Đỗ Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên giải mã nhiều băn khoăn của học sinh.

Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp nuôi gà và kinh doanh kem của mình, ông Vương Hồng Hưng – Kỹ sư công nghiệp thực phẩm, Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare tự nhận đã “đếm cua trong lỗ” và thất bại ở 2 lần khởi nghiệp này.

Thiếu kiến thức và chọn sai phân khúc thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại nêu trên, ông Vương Hồng Hưng nhìn nhận và chia sẻ bài học kinh nghiệm từ thực tiễn khởi nghiệp của mình: Việc đầu tiên là cần có kiến thức về lĩnh vực khởi nghiệp.

Khi khởi nghiệp, cần chọn thế mạnh để làm. Ngoài ra, cần có đủ đam mê, chăm chỉ, dũng cảm, không sợ hãi và theo đuổi đến cùng. Hãy học cách tuân thủ các nguyên tắc về pháp luật, tính trung thực, uy tín…

Ông Vương Hồng Hưng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Ông Vương Hồng Hưng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình.

“Đừng ngại thất bại, bởi mỗi lần vấp ngã sẽ cho các bạn nhiều bài học giá trị” ông Vương Hồng Hưng chia sẻ và cho rằng, không có công thức nào hoàn hảo để các bạn khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Khởi nghiệp hôm nay, nền tảng mai sau

Khởi nghiệp phải trở thành khát vọng thường trực của học sinh, sinh viên, TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh. Khởi nghiệp từ những ý tưởng ban đầu tưởng như đơn giản nhưng sẽ có giá trị ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển trong tương lai. Khởi nghiệp hôm nay sẽ là nền tảng cho mai sau.

“Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ học sinh THPT. Khi các em trở thành sinh viên của Học viện, thì những ý tưởng ấy tiếp tục được phát triển ở cấp độ cao hơn, có thể trở thành hành trang cho các em sau khi tốt nghiệp đại học và bước vào cuộc sống” - TS Nguyễn Công Tiệp cho hay.

TS Nguyễn Công Tiệp (bên phải) giải đáp nhiều câu hỏi của học sinh.

TS Nguyễn Công Tiệp (bên phải) giải đáp nhiều câu hỏi của học sinh.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, ông Đỗ Tiến Hùng nhấn mạnh, hội thảo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT. Từ đó, phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hội thảo trình bày 3 nội dung tham luận/tọa đàm về các chủ đề như: Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; hoạt động khởi nghiệp và Kỳ thi Kiến thức công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; nhu cầu nguồn nhân lực trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên có 25 đơn vị và 32 đội tham gia Cuộc thi “Học sinh phổ thông với ý tưởng khởi nghiệp”. Các dự án khởi nghiệp gồm nhiều lĩnh vực: khoa học, công nghệ, chế tạo sản phẩm, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, kinh doanh.

Học sinh hào hứng tham gia "vui chơi có thưởng".

Học sinh hào hứng tham gia "vui chơi có thưởng".

Để trang bị các kiến thức, kỹ năng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Theo đề án này, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.