Hành trình khởi nghiệp của nông dân người Thái

GD&TĐ - Từ 1 hộ nghèo, sau 3 năm làm trang trại, gia đình anh Tài chính thức thoát nghèo, trở thành điển hình kinh tế giỏi của địa phương.

Anh Vi Văn Tài dẫn cán bộ Ngân hàng chính sách đi thăm trang trại của mình.
Anh Vi Văn Tài dẫn cán bộ Ngân hàng chính sách đi thăm trang trại của mình.

Từ nguồn vay của Ngân hàng chính sách để làm kinh tế, anh Vi Văn Tài (người Thái) không chỉ thoát được nghèo, mà còn có nguồn thu nhập “khủng” 70 triệu đồng/tháng.

“Tay trắng” khởi nghiệp

Xuất thân từ một hộ nghèo ở huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), lập gia đình với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Vi Văn Tài (SN 1986, bản Din, xã Trung Hạ) gặp không ít khó khăn khi thiếu vốn sản xuất và cơ sở vật chất để trang trải cuộc sống.

Thời gian đó, dù làm thuê đủ nghề, gia đình anh vẫn không thể thoát nghèo. Không chỉ gia đình anh, nhiều hộ dân trong thôn sống phụ thuộc vào rừng. Bản thân anh cũng nhiều lần vào rừng kiếm củi bán lấy tiền sinh hoạt nhưng không đủ ăn.

Năm 2019, được biết đến vốn vay của Ngân hàng chính sách, như tìm thấy “cần câu” để thoát nghèo, anh Tài mạnh dạn làm hồ sơ xin vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm.

Lần đầu tiên cầm số tiền lớn trên tay, anh Tài không khỏi lo lắng khi bắt tay vào khởi nghiệp trên mảnh đất cằn cỗi của quê hương.

Như một sự “cứu cánh”, với số tiền vay, anh Tài thuê lại khoảng đồi hoang của xã để làm trang trại. Anh mua 6 con bò, đầu tư làm chuồng trại, trồng thêm 2ha luồng. Ngoài ra, anh tận dụng những thửa đất bỏ hoang để sử dụng trồng cỏ nuôi bò.

Đàn bò tăng dần nhân lên mỗi năm, nhưng do cần vốn nên cứ bê lớn anh lại bán để lấy tiền đầu tư tiếp. Không chỉ trả được món nợ ngân hàng, anh còn dùng tiền tích luỹ mua gà và đào ao nuôi cá.

Thời gian đầu, người nông dân này gặp không ít khó khăn khi chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Gà, cá chết do dịch bệnh, thời tiết. Tuy nhiên, không nản lòng, anh lên mạng học hỏi kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân và khắc phục.

Để có nguồn thức ăn dồi dào cho bò ăn, sinh trưởng tốt, anh đã mượn ruộng, đồ bỏ hoang của hàng xóm, anh em để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Nuôi bò lâu cũng có thêm kinh nghiệm, cách chọn bò giống cũng tốt hơn trước nên bò sinh sản của anh luôn đúng lứa. Anh học hỏi kiến thức về phương pháp nuôi bò sinh sản cho thu nhập cao, rồi đi xe máy ra tận Trung tâm Y tế huyện mua thuốc về tiêu độc, khử trùng phun muỗi cho đàn bò. Vì thế, đàn bò của anh luôn khỏe mạnh.

Thu nhập 70 triệu đồng/tháng

Anh Vi Văn Tài (bìa phải) kể về hành trình làm kinh tế thoát nghèo.

Anh Vi Văn Tài (bìa phải) kể về hành trình làm kinh tế thoát nghèo.

Hiện tại, đàn bò của anh Tài có 12 con, mỗi năm anh bán 6 - 8 con bê, thu nhập lên đến gần 100 triệu đồng. Vững về kinh tế, anh tiếp tục gây dựng thêm trang trại gà thả đồi với quy mô hơn 1.000 con, tiếp tục đào thêm ao thả cá, mở rộng diện tích trồng luồng… Năm 2021, cây luồng bắt đầu cho thu hoạch.

Đến nay, thu nhập từ trang trại đã lên đến 70 triệu đồng/tháng, mỗi năm trừ hết chi phí anh cũng “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng. “Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống, kinh tế gia đình từng bước đi vào ổn định. Thời điểm đó, nếu không có nguồn vay từ Ngân hàng chính sách thì gia đình cũng không biết phải xoay xở ra sao”, anh Vi Văn Tài phấn khởi.

Thấy mô hình trang trại của anh Tài phát huy hiệu quả, nhiều người dân địa phương cũng đến học hỏi. Người nông dân này không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách làm cho bà con lân cận.

Đến bây giờ, anh Vi Văn Tài vẫn thấy những ngày tháng nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo như một giấc mơ và giấc mơ đó vẫn đang tiếp tục tăng thêm động lực cho anh làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Theo ông Hà Công Uy, Chủ tịch UBND xã Trung Hạ, mô hình trang trại của gia đình anh Tài phát huy hiệu quả rất tốt. Từ 1 hộ nghèo, sau 3 năm làm trang trại, gia đình anh Tài chính thức thoát nghèo, trở thành một trong những điển hình kinh tế giỏi của địa phương.

Ông Mai Quốc Vương, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch - Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, cho biết, mô hình của gia đình anh Tài là mô hình điển hình phát huy hiệu quả. Từ đó, nhiều bà con đã học hỏi và mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách để đầu tư thoát nghèo. Đến nay, xã Trung Hạ có nhiều hộ dân đã vay nguồn vốn giải quyết việc làm để làm kinh tế.

“Thời gian qua, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quan Sơn đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai chính sách tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt công tác ủy thác, cho vay hộ nghèo nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu bảo đảm tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và các đối tượng chính sách khác thuộc đối tượng thụ hưởng vốn tín dụng chính sách theo quy định của Nhà nước nói chung đều được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Vương cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.