Đồng hành giúp phụ nữ Đắk Lao thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã giúp các hội viên phụ nữ tại xã biên giới Đắk Lao có nhà mới để ở, việc làm ổn định.

Ngoài hỗ trợ vốn vay 10 triệu đồng, Hội LHPN xã Đắk Lao còn trao tặng 2 triệu đồng cho gia đình chị Hải để phát triển kinh tế.
Ngoài hỗ trợ vốn vay 10 triệu đồng, Hội LHPN xã Đắk Lao còn trao tặng 2 triệu đồng cho gia đình chị Hải để phát triển kinh tế.

Các hoạt động trong chương trình còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chừng 2 năm về trước, chị Nguyễn Thị Hải (39 tuổi) trú tại thôn Đắc Thuỷ, xã Đăk Lao huyện Đắk Mil (Đắk Nông) là một trong 13 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn vay 10 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Có được nguồn vốn, cộng với số tiền dành dụm bao năm, vợ chồng chị Hải đã mua 1 cặp dê và 1 cặp bò cái sinh sản để phát triển chăn nuôi. Nhờ sự hướng dẫn về kĩ thuật của cán bộ hội phụ nữ xã Đắk Lao, đàn gia súc của chị Hải phát triển và sinh trưởng nhanh chóng.

Nói đến bò, dê của gia đình, chị Hải vui hẳn, hồ hởi khoe: “Nhờ sự hỗ trợ vốn từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mà nay gia đình tôi đã có tài sản giá trị. Từ 2 con dê ban đầu đến nay đã sinh sản được 10 con, đàn bò cũng đã phát triển lên 4 con. Ngay cả thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, hai vợ chồng vẫn vững tâm với trang trại nhỏ, như là “trụ đỡ” của kinh tế gia đình. Bây giờ chúng tôi đã có thu nhập ổn định, không sợ thiếu ăn nữa”.

Cán bộ LHPN xã Đắk Lao phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho các hội viên hội phụ nữ trên địa bàn.

Cán bộ LHPN xã Đắk Lao phối hợp với lực lượng Biên phòng tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho các hội viên hội phụ nữ trên địa bàn.

Theo như chia sẻ của chị Vũ Thị Hoàng Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Lao, việc triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của hội viên phụ nữ xã, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng Biên phòng và nhà hảo tâm.

Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ cuối năm 2018 đến nay, Hội LHPN xã Đắk Lao đã vận động được số tiền 240 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đã xây dựng 7 “Mái ấm tình thương” cho các hội viên khó khăn về nhà ở và hỗ trợ vốn vay không tính lãi theo hình thức quay vòng trong 2 năm cho 3 chị thuộc diện hộ nghèo để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, năm 2019, Hội LHPN và Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Đắk Nông đã trao vốn sinh kế cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đắk Lao với số tiền 100 triệu đồng. “Hộ dân có đất sản xuất được vay vốn để mua cây giống, không có đất sản xuất thì chúng tôi hỗ trợ, tư vấn mua con giống…

Nhờ đó mà nhiều gia đình không chỉ có nhà mới để ở, công ăn việc làm ổn định, mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó hiện tại”, chị Nga chia sẻ.

Hiệu quả thiết thực

Hiện nay toàn xã Đắk Lao có 1.131 hội viên phụ nữ. Nhiều chị do không có đất sản xuất, gia đình chỉ trông vào những ngày công làm thuê nên kinh tế gặp phải không ít khó khăn. Từ khi chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai, Hội LHPN xã Đắk Lao đã phối hợp các đồn Biên phòng: Đắk M’Bai, Đắk Lao, Đắk Đam thuộc BĐBP Đắk Nông đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều chương trình có sức lan tỏa sâu rộng như: “Ai dư đến cho, ai cần đến nhận”, “Nuôi heo đất”, “Mái ấm tình thương”, “Nâng bước em tới trường”, “Nuôi bò vì phụ nữ nghèo”… Với tổng kinh phí vận động hỗ trợ gần 500 triệu đồng.

Các mô hình trên đã giúp đỡ được nhiều hội viên phụ nữ vơi đi một phần khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực làm ăn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các chị vẫn có nguồn thu nhập ổn định, sinh kế bền vững.

Trường hợp thoát nghèo đầu tiên được thụ hưởng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đó là chị Diệp Kỳ Chắn (59 tuổi, người dân tộc Nùng), trú tại thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao. Khoảng 5 năm trước, chị Chắn là một trong những hộ dân đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã.

Trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

Trao tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

Nhắc đến cuộc sống của 4 mẹ con chị thời điểm đó, nhiều người dân trong thôn Đắk Quang không khỏi thương xót. Nhà không có đất sản xuất, những đồng tiền kiếm được từ việc làm thuê chị phải chắt chiu lắm mới lo đủ bữa ăn hàng ngày. Thế rồi, niềm vui đã đến với mẹ con chị, khi năm 2018 chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ 10 triệu đồng làm vốn vay phát triển kinh tế.

Nhận được vốn hỗ trợ, chị Chắn quyết định mua 6 con heo giống để phát triển chăn nuôi. Cùng với sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của cán bộ Hội LHPN xã Đắk Lao cộng với kinh nghiệm chăm sóc của bản thân, đàn heo nhà chị Chắn phát triển và sinh trưởng rất nhanh. Cũng vì thế mà chị đã có thu nhập ổn định từ việc bán heo con để sữa chữa nhà cửa và trang trải các chi phí sinh hoạt gia đình. Điều đáng mừng là cuối năm 2019 gia đình chị đã thoát nghèo.

Chị Chắn vui vẻ nói: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chị em Hội LHPN Đắk Lao mà nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có kinh ổn định. Mong rằng, có nhiều phụ nữ khó khăn như tôi được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn làm ăn để phát triển sản xuất, giảm nghèo, cuộc sống ngày càng ấm no”.

Nói về hiệu quả thiết thực của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ông Trần Nguyên Long, Phó Bí thư Thường trực xã Đắk Lao khẳng định: “Thông qua chương trình, các hội viên phụ nữ nghèo đã tiếp cận được phương pháp, cách thức làm kinh tế hiệu quả, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đặc biệt là đối với các hộ gia đình dân tộc thiểu số. Qua đó, thu hút nhiều chị em tham gia các phong trào của hội cũng như những hoạt động tại địa phương, nhất là công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an ninh biên giới và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

“Qua hơn 4 năm triển khai, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống chị em phụ nữ nói riêng, các hộ dân trong xã nói chung. Điều đáng mừng là đến nay toàn xã có 13 chị được thụ hưởng từ chương trình đã thoát nghèo và kinh tế gia đình ổn định”, chị Vũ Thị Hoàng Nga phấn khởi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ